Đối mặt nguy cơ mất điện diện rộng

Mới đầu hè, 8 tỉnh phía Bắc đã phải trải qua cảnh mất điện diện rộng, chỉ vì một trạm biến áp 500kV bất ngờ bị hỏng. Đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân.

Liên tiếp sự cố không rõ nguyên nhân

 

Sáng ngày 21/5, nhiều khu vực ở 8 tỉnh là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Nam Định, Thái Bình và Sơn La đồng loạt bị mất điện. Nguyên nhân là máy biến áp AT2 của trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa (Bắc Giang) bất ngờ bị sự cố, khiến pha B tách ra khỏi vận hành, gây gián đoạn cung cấp điện trên lưới 110kV.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Thông tin từ Tổng công ty truyền tải quốc gia cho biết, sự cố trên xảy ra vào lúc 7h45p nhưng chỉ gây mất điện trong thời gian ngắn, chưa đầy 1 tiếng. Đến khoảng 8h20 cùng ngày, 8 tỉnh đã có điện trở lại. Tổng công suất bị gián đoạn thiếu hụt là 594 MW.

 

Trước đó 1 tuần, ngày 14/5, cũng tại trạm biến áp này, máy biến áp AT1 cũng bất ngờ hỏng hóc, khiến pha A tách ra khỏi vận hành. Trong thời gian xảy ra sự cố, trên lưới 220 kV, điện vẫn được cấp điện từ Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang và Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại về thanh cái 220 kV trạm Hiệp Hòa. Trên lưới điện 500 kV, công suất từ Nhà máy Thủy điện Sơn La được cấp điện về thẳng trạm biến áp 500 kV Hòa Bình và Nho Quan.  Vì vậy việc cung cấp điện trên toàn hệ thống không bị gián đoạn. Máy biến áp này được khắc phục hoạt động trở lại sau khoảng 36 tiếng.

 

20 ngày sau khi xảy ra sự cố, máy biến áp AT2 vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Tổng công ty Truyền tải điện dự kiến sẽ thay thế máy AT2 bằng một máy biến áp công suất tương tự từ trạm biến áp 500kV Mỹ Tho. Tuy nhiên, phải mất tới 25 ngày, đến cuối tháng 6, trạm biến áp 500kV Hiệp Hoà mới được bổ sung máy biến áp mới.

 

Truyền tải điện rình rập nhiều sự cố
Truyền tải điện rình rập nhiều sự cố

 

May mắn cho các tỉnh phía Bắc, sau trục trặc trên, trong 20 ngày qua, việc cung cấp điện vẫn diễn ra bình thường, mặt dù, chất lượng điện áp thấp.

 

Đó là nhờ các máy biến áp tại trạm biến áp Hiệp Hoà có công suất cao, tới 900MVA. Thời tiết đang thuận lợi nên phụ tải miền Bắc thấp. Cũng kể từ khi đi vào vận hành tháng 11/2011, hai máy biến áp AT1 và AT2 cũng chỉ hoạt động 30-40% công suất thiết kế là đã đáp ứng nhu cầu. Nhờ vậy, mặc dù thiếu hụt một máy biến áp, nhưng máy còn lại hiện vẫn đủ năng lực đáp ứng phụ tải thực tế.

 

Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa là trạm nút có nhiệm vụ truyền tải công suất của các Nhà máy Thủy điện phía Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu...) và các nhà máy điện khu vực Đông Bắc (Nhiệt điện Quảng Ninh, Mông Dương...)  cấp điện cho một phần phụ tải phía Bắc thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên.

 

Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, Hà Nội không bị ảnh hưởng mất điện bởi sự cố trạm biến áp trên. Tuy nhiên, do thời tiết phức tạp nên vừa qua, đã có ít nhất 2 lần mất điện lớn. Gần đây nhất là 18h chiều 4/6, một cơn mưa lớn kèm giông, lốc và  sét đã bất ngờ xuất hiện, quật đổ nhiều cây cối và đổ cả vào trạm điện, đường dây diện 110kV.

 

Trước đó lúc 17h25 chiều 18/5, mưa lớn kèm dông sét cũng đã gây ra sự cố lưới điện 2 lộ đường dây 110kV trạm biến áp 110kV Chèm, khiến cho nhiều khu vực quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy mất điện. Song, trong khoảng 1-2 tiếng, việc cấp điện đã nhanh chóng được khôi phục.

 

Mạng điện chịu nhiều rủi ro

 

Chia sẻ với báo chí hôm 12/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã xác nhận, theo báo cáo của EVN thì có vẻ  sự cố trạm biến áp Hiệp Hoà là lỗi của nhà chế tạo, do phóng điện cuộn dây. Chỗ này hai bên phải cùng nhau xác định nguyên nhân đã. Hiện chưa xác định được nguyên nhân thì chưa nói được gì cả.

 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng: "DN phải chịu trách nhiệm về vấn đề chất lượng... Dự án bị sự cố thì phải xác định nguyên nhân, sau đó, sẽ xác định trách nhiệm. Nếu là lỗi của nhà chế tạo thì nhà chế tạo phải đền".

 

Sự cố khiến nhiều tỉnh thành mất điện
Sự cố khiến nhiều tỉnh thành mất điện

 

Theo Tổng công ty Truyền tải, nhà chế tạo - một công ty nước ngoài đã cử đoàn chuyên gia sang làm việc nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Việc máy biến áp trục trặc kỹ thuật là chuyện thường xảy ra, nhưng sự cố kéo dài, không rõ nguyên nhân như trên là hi hữu, lần đầu tiên gặp phải.

 

Cách đây 1 năm, chiều ngày 22/5/2013, toàn bộ 22 tỉnh Miền Nam đã bỗng nhiên bị mất điện, kéo dài tới vài tiếng đồng hồ. Tổng công suất bị mất lên tới 9.400MW. Nguyên nhân là do một tài xế cần cẩu bất cẩn đã trạm vào đường dây 500kV Bắc- Nam đang truyền tải công suất cao, gần trạm biến áp 500kV Tân Định.

 

Có thể thấy, hệ thống lưới điện quốc gia luôn luôn có nhiều hiểm hoạ rình rập, đe doạ đến an ninh lưới điện. Nhưng đáng lưu ý nhất là, ngoài lý do thời tiết, nhiều sự cố mất điện  bất khả kháng gây ra là do yếu tố con người, như do việc sử dụng thiết bị kém chất lượng hoặc không tuân thủ quy tắc an toàn hệ thống lưới điện.

 

Mới đây, tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm đường dây 500kV Bắc- Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nói, hiện nay vẫn phải nhìn nhận khách quan là lưới điện truyền tải vẫn còn chưa có dự phòng.  Một số trạm biến áp và đường dây bị quá tải vào giờ cao điểm đã làm ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong những năm tới, EVN và Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia cần đảm bảo thực hiện đầu tư để có lưới điện truyền tải đủ mạnh, an toàn tin cậy.

 

Theo Phạm Huyền

VEF
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”