Độc nhất miền Tây: Vườn cam ruột đỏ au, không hề có hạt

Trong vườn của một anh nông dân ở Đồng Tháp trồng giống cam có ruột đỏ au nhìn rất đẹp mắt, vị ngọt dịu đặc biệt kèm chua nhẹ. Đặc biệt, loại cam này không có hạt, dễ bóc, dễ ăn nên gây mê cho nhiều người.

Loại cam này đang được trồng trong vườn của anh Huỳnh Hoàng Sơn (ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp).

Anh Sơn kể, cách đây nhiều năm, anh được một công ty phân bón tài trợ đi Thái Lan và vô tình nhìn thấy trái cam có ruột đỏ au, ăn lại ngon nên anh rất mê.

“Tôi định mua về trồng nhưng cây giống quá đắt, ngoài ra để vận chuyển về Việt Nam lại khó khăn nên không mua.

Sau đó, về Việt Nam, tôi đi hội chợ nông nghiệp nhìn thấy có người bán loại cam ruột đỏ nên mua 100 cây với giá 60.000 đồng/cây về trồng thử”, anh Sơn chia sẻ cơ duyên đến với cây cam ruột đỏ và cho biết, thấy giống cam này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Lai Vung nói riêng và Nam bộ nói chung nên phát triển thêm.

Độc nhất miền Tây:  Vườn cam ruột đỏ au, không hề có hạt - 1

Những trái cam có ruột đỏ au rất bắt mắt trong vườn nhà anh Sơn  

Độc nhất miền Tây:  Vườn cam ruột đỏ au, không hề có hạt - 2

Loại cam này ít sâu bệnh, cho năng suất cao 

Độc nhất miền Tây:  Vườn cam ruột đỏ au, không hề có hạt - 3

Cam ruột đỏ trái khi chín triển từ màu xanh sang màu vàng hoặc màu da cam, nhẵn bóng

Theo anh Sơn, cam ruột đỏ hay còn gọi là cam Cara, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Đây là giống cam cho trái quanh năm, trung bình cho thu hoạch từ 25-30 tấn/ha. So với các loại cam ở địa phương thì giống cam này cho năng suất khá cao và giá bán cũng rất hấp dẫn, từ 38.000-60.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm.

“Thời điểm Tết thương lái vào tận vườn thu mua là 60.000 đồng/kg, qua Tết thì rớt xuống còn 45.000-47.000 đồng/kg và hiện là 38.000 đồng mỗi ký”, anh Sơn nói.

“Cam này khác hơn các loại cam bình thường trồng ở địa phương là khi bổ ra, cam có ruột đỏ au, tép mọng nước nhìn rất đẹp mắt, vị ngọt dịu đặc biệt lẫn chua nhẹ. Cam không hạt, dễ bóc, dễ ăn và mùi thơm dễ chịu như cà rốt. Trái khi chín chuyển từ màu xanh sang màu vàng hoặc màu da cam, nhẵn bóng”, anh nói thêm.

Độc nhất miền Tây:  Vườn cam ruột đỏ au, không hề có hạt - 4
Độc nhất miền Tây:  Vườn cam ruột đỏ au, không hề có hạt - 5

Anh Sơn (áo xanh) người tiên phong trồng cam ruột đỏ ở Đồng Tháp

Theo lời anh, ban đầu trồng loại cam ruột đỏ này gặp nhiều khó khăn. “Bà con nhìn thấy trái cam có ruột đỏ nên thấy lạ nên còn nghi ngờ, nếu trồng có bán được không. Tuy nhiên, khi mình giải thích, cho ăn thử, họ thấy ngon nên mua cây giống về trồng”, anh Sơn nói và tiết lộ trồng cam ruột đỏ sướng hơn các loại cam khác là dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, năng suất cao, bán lại được giá.

Anh Sơn đang nhân cây giống để cung cấp cho nông dân trong tỉnh và khu vực ĐBSCL với giá 25.000 đồng/cây.

Theo đặc tính sinh trưởng của cam ruột đỏ, cây được 1,5 năm tuổi thì có thể cho trái. Nhờ có màu sắc bắt mắt, hương vị lạ nên tại hội thi “Trái ngon - an toàn Nam bộ” lần thứ 9 diễn ra ở TP.HCM, cam ruột đỏ của anh Sơn đã đạt giải “Củ - quả - lạ, hiếm”. Hiện anh Sơn sở hữu 10.000 m2 trồng cam đang cho trái và mới trồng.

Độc nhất miền Tây:  Vườn cam ruột đỏ au, không hề có hạt - 6
Độc nhất miền Tây:  Vườn cam ruột đỏ au, không hề có hạt - 7
Độc nhất miền Tây:  Vườn cam ruột đỏ au, không hề có hạt - 8

Cam ruột đỏ rất được nhiều người ưa chuộng 

Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội làm vườn xã Phong Hòa (Lai Vung), cho biết: “So với các loại cam khác như xoàn, dây,... thì cam ruột đỏ của anh Sơn cho năng suất rất cao, chăm sóc cũng dễ hơn. Chúng tôi đã động viên anh ấy vào hội để nhân giống bán cho bà con”.

Theo ông Hùng, cam ruột đỏ có vị chua nhẹ, nhưng khi ăn vào rất ngọt và thơm nên bà con rất thích. “Lúc đầu thì cam ruột đỏ cũng khó bán vì giá cao hơn các loại cam khác nhưng khi ăn họ thấy ngon, tìm hiểu thì vitamin nhiều hơn nên rất ưa chuộng”, ông Hùng nói thêm.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn thì đây là loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Nam bộ. Trong đó từ cách trồng, chăm sóc đều tương đồng với những loại cây có múi khác tại địa phương.

Theo Thanh Sang

VietnamNet