1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Độc giả Dân trí: Quá nhẹ nếu chỉ khiển trách, cảnh cáo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa

(Dân trí) - Sau hai bài báo về khối tài sản khủng của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, bạn đọc Dân Trí đã vô cùng bức xúc và nhiều người đã không đồng tình nếu sau đây chỉ có hình thức cảnh cáo, khiển trách mà cần phải có hình thức xử lý mạnh hơn với quan chức này.

Xử lý bà Hồ Thị Kim Thoa liệu có nhẹ?

Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) với những sai phạm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, bạn đọc Dân Trí đã thể hiện sự ủng hộ cao. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, nếu sau đây, mức xử lý vẫn chỉ dừng lại ở khiển trách hay cảnh cáo sẽ là quá nhẹ.

Đồng tình với UBKTTW, bạn đọc Chu Long đã cho rằng: “Như vậy đã rõ, bà Thoa đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình trong việc thu vén, làm giàu cho cá nhân và gia đình.”

Bà Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trao quyết định bổ nhiệm cho ông Trịnh Xuân Thanh.
Bà Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trao quyết định bổ nhiệm cho ông Trịnh Xuân Thanh.

“Theo kỷ cương phép nước mà làm, thời điểm này lòng dân đang khát khao mong chờ Đảng, Nhà nước, Chính phủ phải cương quyết, minh bạch, công khai và công bằng cho dân chúng tin tưởng vào đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước như thời chiến tranh giải phóng dân tộc: Dân tin tưởng Đảng tuyệt đối và cũng tin cán bộ của Đảng tuyệt đối”, bạn đọc Chu Long chia sẻ thêm.

Bênh cạnh đó, khá nhiều ý kiến có cùng quan điểm, trong đó, bạn đọc như Hoàng Dũng hi vọng: “UBKTTW làm việc làm việc trên tinh thần khách quan, làm sáng tỏ những khuất tất trong việc mua bán cổ phần của nhà nước. Tránh làm thất thoát tài sản của nhà nước trong DQC.”

Củng bày tỏ quan điểm ủng hộ kết luận của UBKTTW, nhưng độc giả Lê Căn Bản vẫn bức xúc cho rằng: “Sẽ là công bằng, đề nghị xác định rõ từng khoản, từng việc... và quyết định thu hồi trả lại Nhà nước, trả lại cho Dân!”.

Tương tự là ý kiến của độc giả Hồ Nghĩa: “Thanh tra, kiểm tra nếu có sai phạm thu hồi một phần khối tài sản sai phạm, đem đi "Xây nhà tình nghĩa cho người nghèo", xây cầu vượt lũ cho những "vùng sâu vùng xa" mà trẻ em đi học bố mẹ đưa đón qua sông "bằng túi ni lông" thì quá tốt...”.

Thế nhưng, đó mới chỉ là những ý kiến nhẹ nhàng, không ít bạn đọc đã phải thốt lên “Hãy xử lý nghiêm bà Hồ Thị Kim Thoa!”.

Thậm chí, độc giả Nguyễn văn Trinh khẳng định: “Mọi người dân VN đều phải bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm trước pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam. Bà Thoa có vi phạm thì phải xử lý theo Điều lệ Đảng.”

“Nếu có tội đủ truy tố thì phải khởi tố. Tài sản bất minh dù là nhỏ hay lớn đều phải thu hồi”, độc giả Trinh nói.

Cùng quan điểm đó, bạn đọc phutho đã so sánh: “Cả một khối tài sản bằng thu nhập của cả tỉnh Thanh Hóa đông dân nhất VN, như vậy mà kiểm điểm rút kinh nghiệm. Sao chúng ta không làm thật mạnh và dứt khoát nhỉ? Thế này làm sao mà chống được tham nhũng!?”.

Cần truy tận gốc tài sản của bà Thoa

Từ những sai phạm được nêu ra, dù chỉ là góc nhìn một độc giả, nhưng bạn đọc Vinh Buiquang đánh giá khá chi tiết về nhưng sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa: “Vấn đề đặt ra là còn lỗ hổng trong quản lý kinh tế nhà nước. Việc không kiểm tra kiểm soát chặt chẽ trong cổ phần hóa hoặc có thể từ một ê-kíp nào đó mà việc bùa phép tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân trong giai đoạn cổ phần hóa DNNN.”

“Trong trường hợp này, thiết nghĩ, cần thiết phải truy tận gốc khối tài sản mà gia đình bà Thoa đang nắm giữ tại Công ty Điện Quang là từ giai đoạn bà Thoa bắt đầu làm việc (Nhân viên). Tại sao chỉ kê khai TS trước khi làm thứ trưởng như vậy khác nào những TS có được trong giai đoạn lãnh đạo Công ty diện Quang được kê khai để hợp thức hóa khi trở thành Thứ trưởng. Như vậy, có bao nhiêu trường hợp DNNN cổ phần hóa giống như của bà Thoa?”, độc giả Vinh Buiquang nhận định thêm.

Theo một chu trình lòng vòng nhưng “đúng quy trình”, bạn đọc Xóm Nhỏ rút ra kết luận: “Cổ phần hóa thì tiền nhà nước cũng vào tay cá nhân. Cổ phần hóa rồi thì cá nhân dùng tiền này phát triển thêm cổ phiếu cho cá nhân. Cuối cùng, từ cá nhân đại diện vốn nhà nước quản lý doanh nghiệp nhà nước, nay nghiễm nhiên biến doanh nghiệp nhà nước vào tay cá nhân, thành doanh nghiệp gia đình. Đây là cách thức chuyển tài sản công thành tài sản tư để làm kinh tế gia đình.”

Châm biếm, sâu cay

Cũng đã chán ngấy kiểu bình luận nặng nề, chỉ trích, thay vào đó, nhiều bạn đọc đã để lại những lời châm biến sâu cay như kiểu: “Tham nhũng "đúng quy trình"! tịch thu kiểu gì đây?” của Thu Hiền Lê. Hay “Người ta vất vả làm ruộng và nuôi trâu nên mới có khối tài sản đấy chứ bộ” của độc giả Tuấn Trần.

Môt số độc giả châm biếm cho là bà Thoa khá giỏi vì: “Cán bộ mà giàu có như bà Thoa ở đất nước ta xưa nay hiếm. Thời bao cấp đủ ăn, mặc là mừng. Chuyển sang kinh tế thị trường mới hơn 20 năm mà tích lũy được khối tài sản như thế thì rất “giỏi”.”

Cuối cùng, độc giả Hiep Nguyễn tin rằng: “Nếu có thể tịch thu hết tài sản tham nhũng Việt Nam sẽ trở thành cường quốc”.

Thế Hưng