1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh số bán xe tháng 4 giảm thảm hại, giá nhiều xe "hot" xuống đáy mới

(Dân trí) - Dịch Covid-19 đã tác động rõ rệt đến thị trường ô tô, khiến doanh số bán hàng trong tháng 4 của nhiều hãng suy giảm thảm hại, nhiều loại xe "hot" đã phải giảm giá mạnh để kéo khách.

Xe bán ra lao dốc không phanh vì Covid-19

Trong tháng 4/2020 thị trưởng xe suy giảm doanh số 39% so với tháng trước, đồng thời giảm 44% so với cùng kỳ năm trước, đây được xem là mức giảm chưa từng xảy ra trên thị trường xe.

Doanh số bán xe tháng 4 giảm thảm hại, giá nhiều xe hot xuống đáy mới - 1

Doanh số bán xe giảm kỷ lục vì Covid-19

Theo báo cáo doanh số bán hàng 4 tháng đầu năm 2020 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt trên 11.700 xe, giảm 7.400 chiếc so với tháng trước.

Theo đại diện của một doanh nghiệp ô tô phía Nam, doanh số tháng 3 và tháng 4 của các mẫu xe đều giảm mạnh, sản lượng lắp ráp cũng giảm theo do thiếu linh kiện. Dự đoán, từ tháng 5 trở đi, có thể thị trường sẽ hồi phục do Việt Nam khống chế thành công dịch, song để đạt được trạng thái cung nhiều hơn cầu là điều khó khăn.

Xe nhập giảm mạnh, cảnh báo giá xe tăng

Tác động của dịch Covid-19 sẽ ngày càng rõ nét lên thị trường xe hơi trong thời gian tới đây. Rất có thể, một số dòng xe sẽ tăng giá do chi phí phát sinh không mong muốn.

Doanh số bán xe tháng 4 giảm thảm hại, giá nhiều xe hot xuống đáy mới - 2

Xe nhập về nước ít, cảnh báo giá xe tăng

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2020, lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Trong đó, xe nhập từ Thái Lan, Indonesia giảm từ 40-80% so với tháng trước.

Cụ thể, tổng lượng xe nhập khẩu trong tháng 4/2020 chỉ đạt gần 4.900 chiếc, giảm hơn 7.500 chiếc so với tháng trước, tương ứng giảm hơn 54,5%. So với cùng kỳ tháng 4 năm trước, lượng xe nhập tháng này ghi nhận giảm 5.300 chiếc, tương ứng giảm 49%.

Theo các nhà nhập khẩu xe hơi tại Việt Nam, lượng xe nhập trong các tháng 5 và 6/2020 sẽ còn giảm tiếp bởi đơn hàng nhập xe hơi sẽ phải ký kết trước 2-3 tháng thực hiện. Chính vì vậy, tác động của dịch Covid-19 sẽ ngày càng rõ nét lên thị trường xe hơi trong thời gian tới đây. Rất có thể, một số dòng xe sẽ tăng giá do chi phí phát sinh không mong muốn.

Thị trường xe cũ tê liệt, chịu "khủng hoảng kép"

Trong khi hàng loạt mẫu xe mới giảm giá mạnh để kích cầu thị trường, thì các đại lý xe cũ lại "đứng ngồi không yên". Sau đại dịch Covid-19, nhiều đại lý xe cũ có nguy cơ phá sản.

Doanh số bán xe tháng 4 giảm thảm hại, giá nhiều xe hot xuống đáy mới - 3

Đại lý xe cũ đứng ngồi không yên vì thị trường xe mới biến động liên tục

Khảo sát một số showroom xe hơi trên phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), rất nhiều đại lý xe mới của các hãng đang trong cảnh "ngồi chơi, xơi nước", khách hỏi, xem xe nhiều hơn khách đặt tiền mua.

Trong khi đó, cánh buôn xe cũ đang đối diện với nhiều khó khăn hơn từ việc ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sự cạnh tranh, giành khách của các đại lý xe mới hay xu hướng xe mới giảm giá khiến nhiều mẫu xe cũ không thể bán được hàng, nguy cơ phá sản, giải thể ngày càng cao.

Chờ chính phủ có "phán quyết cuối cùng" về ngành xe hơi

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mới đây, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 125/2017 giảm thuế đối với linh kiện xe ô tô.

Doanh số bán xe tháng 4 giảm thảm hại, giá nhiều xe hot xuống đáy mới - 4

Doanh nghiệp đang chờ vào các quyết sách của Chính phủ về thị trường ô tô

Theo các chuyên gia và một số doanh nghiệp xe hơi, đây có thể là hy vọng cuối cùng cho ngành ô tô trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 125/2017 về biểu thuế nhập khẩu, thuế ưu đãi cho các loại hàng hóa, trong đó có linh kiện ô tô có nhiều ràng buộc quan trọng.

Với việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu, dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 đặt yêu cầu sản lượng chung tối thiểu cho các doanh nghiệp xe, sản lượng riêng tối thiểu cho các mẫu xe được sản xuất, lắp ráp trong nước khi họ được hưởng các ưu đãi thuế nêu trên.

Trường hợp, doanh nghiệp thỏa mãn đủ các điều kiện về sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu, được hưởng thuế ưu đãi, chi phí sản xuất xe rẻ đi, lợi thế quy mô tăng lên, khiến cho các dòng xe lắp ráp trong nước sẽ cạnh tranh hơn, giá cả hợp lý hơn.

Đại lý giảm ồ ạt, giá nhiều xe "hot" về đáy mới

Xe tồn nhiều, sức mua giảm, các doanh nghiệp ô tô phải ra sức tung các chương trình khuyến mãi, ưu đãi giảm giá không chỉ với mẫu xe ế ẩm mà còn có cả các mẫu nằm trong "top" bán chạy.

Doanh số bán xe tháng 4 giảm thảm hại, giá nhiều xe hot xuống đáy mới - 5

Nhiều xe hàng "hot" giảm giá kích cầu

Bước sang tháng 5, nhiều hãng và nhà phân phối ô tô tại Việt Nam tiếp tục đưa ra thêm các chương trình ưu đãi mới. Hầu hết thương hiệu phổ thông đều có xe giảm giá, như Toyota, Honda, Mazda, Nissan, Mitsubishi, Hyundai, Ford…Ngoài việc trừ tiền mặt, các hãng và đại lý còn tặng thêm phụ kiện cho người mua xe.

Đơn cử như mới nhất, mẫu xe SUV Ford Explorer 2019 tiếp tục được các đại lý ưu đãi 60-70 triệu đồng tiền mặt kèm tặng gói phụ kiện trị giá 20 triệu đồng.

Như vậy, sau nhiều đợt giảm giá trong những tháng vừa qua, mẫu SUV cao cấp này đang dần “rớt giá” từ giá niêm yết hãng 2,268 tỷ đồng xuống 1,999 tỷ đồng hồi cuối tháng 2 và nay chỉ còn mức khoảng 1,9 tỷ đồng gây sốc.

Ngoài ra, các mẫu xe khác như Mitsubishi Xpander, bản cao cấp với giá chỉ 565 triệu, giảm tới 55 triệu đồng so với niêm yết; Mazda2 phiên bản cũ được ưu đãi giảm đến 55 triệu đồng kèm tặng phụ kiện hay Hyundai Kona 2020 giảm giá từ 25 – 32 triệu đồng, kèm theo gói khuyến mãi phụ kiện...

Giảm giá trăm triệu nhưng vẫn nằm kho

Hiện tượng cung vượt cầu, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh số bán ô tô ngày càng lao dốc. Dự báo giá xe tiếp tục giảm và nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thua lỗ dừng hoạt động.

Doanh số bán xe tháng 4 giảm thảm hại, giá nhiều xe hot xuống đáy mới - 6

Lượng tồn kho vẫn lớn, bất chấp các doanh nghiệp kích cầu mua sắm

Báo cáo tài chính quý 1/2020 từ một số doanh nghiệp phân phối ô tô lớn cũng cho thấy tình trạng khó khăn, cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm. Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) quý 1/2020 có doanh thu sụt giảm tới 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu đi xuống trong khi chi phí không được tiết giảm tương ứng khiến Savico lỗ 27 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.

Công ty Cổ phần City Auto, nhà phân phối xe Ford lớn nhất cả nước, cũng ghi nhận mức giảm doanh thu 24% trong quý 1/2020 so với cùng kỳ 2019. Dù đã cắt giảm tối đa các chi phí bằng cách giảm nhân sự, giảm lương và được chủ mặt bằng giảm giá cho thuê, lợi nhuận ròng chỉ đạt 460 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco), đơn vị phân phối xe sang Mercedes-Benz, cũng sụt giảm doanh thu 15% trong quý 1/2020. Lợi nhuận sau thuế của Haxaco rớt xuống 3 tỷ đồng, mức thấp nhất 2 năm.

Tháng 4 vừa qua các doanh nghiệp này còn chịu doanh số mạnh hơn nữa, với mức giảm tới trên 30% so với thời điểm tháng 3/2020. Hàng tồn kho lớn, chi phí không giảm nhiều, nhưng doanh số bán giảm mạnh, khiến tất cả doanh nghiệp đều thua lỗ.

An Linh
(Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm