Chờ Chính phủ cho "phán quyết cuối cùng" về ngành xe hơi
(Dân trí) - Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mới đây, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 125/2017 giảm thuế đối với linh kiện xe ô tô.
Theo các chuyên gia và một số doanh nghiệp xe hơi, đây có thể kỳ vọng cuối cùng cho ngành ô tô trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 125/2017 về biểu thuế nhập khẩu, thuế ưu đãi cho các loại hàng hóa, trong đó có linh kiện ô tô có nhiều ràng buộc quan trọng.
Bộ Tài chính đề xuất giảm, thậm chí bãi bỏ thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe sản xuất trong nước, các linh kiện nhập khẩu phục vụ lắp ráp xe trong nước.
Đồng thời với việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu, dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 đặt yêu cầu sản lượng chung tối thiểu cho các doanh nghiệp xe, sản lượng riêng tối thiểu cho các mẫu xe được sản xuất, lắp ráp trong nước khi họ được hưởng các ưu đãi thuế nêu trên.
Trường hợp, doanh nghiệp thỏa mãn đủ các điều kiện về sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu, được hưởng thuế ưu đãi, chi phí sản xuất xe rẻ đi, lợi thế quy mô tăng lên, khiến cho các dòng xe lắp ráp trong nước sẽ cạnh tranh hơn, giá cả hợp lý hơn.
Trước đó, ngày 4/5, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phát đi thông tin cơ quan này đang có đề xuất với Bộ Tài chính về việc ban hành chính sách miễn, giảm Thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ % "made in Vietnam" trong các dòng xe hơi, không căn cứ xe nhập khẩu hay lắp ráp trong nước được bán tại Việt Nam.
Trường hợp xe sản xuất tại ASEAN, nhưng có mua và sử dụng các linh kiện do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp, tùy theo tỷ lệ % nhất định, sẽ được miễn giảm Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đại diện Cục Công nghiệp cho rằng, với chính sách này, nếu áp dụng, Việt Nam không lo bị các nước khiếu nại, không phạm các quy định về phân biệt đối xử quốc gia của WTO.
Thực tế, các doanh nghiệp ngành xe hơi đang rất khó khăn, thậm chí có liên doanh tuyên bố phải dừng sản xuất do chi phí tăng, lợi nhuận thấp, doanh thu không đảm bảo. Tổng Giám đốc Honda Việt Nam vừa có thư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân trần về chuyện có thể giảm quy mô, thậm chí ngừng lắp ráp xe tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu, bán kinh doanh các xe khác.
Các doanh nghiệp ô tô và hiệp hội đều cho biết, ngành sản xuất ô tô Việt Nam hiện nay có chi phí cao từ 20% so với các nước khác trong khu vực. Sự chênh lệch này đến từ hệ quả do quy mô doanh nghiệp nhỏ bé, sự phát triển manh mún, ngành ô tô chưa có hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp phụ trợ đông đảo....
Thực tế tác động lớn của đại dịch Covid-19 và sự cạnh tranh của các dòng xe nhập đã khiến ngành xe hơi trong nước đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn. Sản lượng suy giảm, doanh số tụt giảm và mọi giải pháp kích cầu chưa thể vực dậy ngành này trong một sớm, một chiều, khiến khó khăn ngày càng lớn.
Mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) có báo cáo về tình hình khó khăn của các doanh nghiệp ngành ô tô, theo đó ngành sản xuất xe có động cơ giảm mạnh trước tác động của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi cùng kỳ năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành tăng mạnh ở mức 20,8% so so với cùng kỳ 2018.
Sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước đạt 56,2 nghìn chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành cũng tăng rất cao, tăng 122,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong năm 2020, ngành xe hơi vẫn trông đợi vào các chính sách của Chính phủ, của Quốc hội khi có hàng loạt đề xuất miễn, giảm phí, thuế được đưa ra, trong đó mới đây là việc đề xuất miễn 50% phí trước bạ đối với người mua xe trong nước, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nội địa.
Hiện Chính phủ vẫn đang bàn và đưa ra các quyết định cuối cùng, trước khi đề xuất gửi Quốc hội thông qua để sửa đổi, bổ sung vào các sắc luật như Luật Phí và lệ phí, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt....
Nguyễn Tuyền