Doanh nghiệp xăng dầu thừa nhận đang lãi lớn
Từ ngày 7/6 trở lại đây, với mức thuế nhập khẩu 7%, giá xăng cơ sở đang thấp hơn giá bán lẻ trên 1.500 đồng/lít. Các doanh nghiệp xăng dầu cũng thừa nhận đang có lãi và đã có cơ sở để Bộ Tài chính điều chỉnh giá bán trong nước.
Ông Đặng Vinh Sang, Phó tổng giám đốc SaigonPetro thừa nhận, giá xăng dầu thành phẩm những ngày qua đang xuống mạnh và doanh nghiệp đang có lãi trên 1.000 đồng mỗi lít xăng bán ra nếu tính theo giá mới nhập. Kể cả nếu tính theo giá bình quân 30 ngày qua, doanh nghiệp vẫn có lời dù mức lời ít hơn.
Dù là lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu đầu mối song ông Sang vẫn nêu quan điểm nếu đã đủ cơ sở để điều chỉnh giá thì cơ quan quản lý nên tính chuyện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, hoặc điều chỉnh thuế. Ông Sang cho rằng Nhà nước nên để doanh nghiệp tự điều chỉnh giá xăng dầu theo diễn biến thị trường.
Cũng theo ông Sang, hiện SaigonPetro cứ 3 – 4 ngày lại có một chuyến tàu nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ các thị trường Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan… về Việt Nam, với trữ lượng mỗi chuyến từ 10.000 đến 20.000 m3. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu mối buộc phải tuân thủ quy định luôn duy trì lượng hàng tồn kho nhất định. Lượng hàng tồn kho đối với sản phẩm xăng A92 và A95 của Saigon Petro thông thường là 40.000 m3. Vì thế, không thể lấy giá của lô hàng nhập khẩu mới nhất để tính giá bán lẻ cơ sở.
Còn lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có thị phần nhỏ cho hay, nếu tính theo giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu cách đây 1 – 2 hôm, doanh nghiệp có thể lãi khoảng 1.200 – 1.500 đồng/lít xăng bán lẻ. “Tuy nhiên, hàng xăng dầu tồn kho tại doanh nghiệp đang khá lớn, mà số hàng này được nhập khi giá cao, lượng dự trữ lên tới 40 ngày do tình hình tiêu thụ trong thời gian qua giảm sút mạnh. Cụ thể, từ đầu năm tới nay sản lượng tiêu thụ của công ty giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân mấy năm trước, thời kỳ giữa năm, mỗi tháng chúng tôi bán từ 70.000 đến 75.000 m3. Nhưng hai tháng nay lượng hàng tiêu thụ chỉ 60.000 m3 mỗi tháng”, vị này nói.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho hay: “Bộ Tài chính đã có công thức chung tính giá xăng dầu cơ sở, do vậy các doanh nghiệp đầu mối khác lỗ lãi như thế nào thì chúng tôi cũng lỗ lãi tương đương vậy. Hiện nếu Bộ Tài chính có ý định điều chỉnh thì chúng tôi cũng không biết Bộ sẽ điều chỉnh theo hướng nào, giảm giá hay tăng thuế hay kết hợp cả hai. Tôi nghĩ, Bộ nên có lộ trình điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu trong một thời gian nhất định, chẳng hạn áp thuế nhập khẩu xăng ở mức 7% hoặc 10% trong vòng 1 – 2 quý. Trong 1 – 2 quý đó, nếu giá xăng dầu thế giới tăng giảm như thế nào, thì trong nước cứ tính mức thuế ấy mà tăng giảm theo tương đương. Như vậy, doanh nghiệp sẽ dự đoán trước được giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ được điều chỉnh theo hướng nào, tăng giảm bảo nhiêu, từ đó chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh”.
Theo trang tin Bloomberg, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/6, giá xăng A92 trên thị trường Singapore chốt ở mức 101,6 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 31/12/2011.
Từ trung tuần tháng 6 đến nay, giá xăng A92 nhập khẩu từ thị trường Singapore liên tục ở mức thấp, dao động từ hơn 100 USD tới 106 USD/thùng. Mức giá cao được ghi nhận vào ngày 15/6 khi giá xăng A92 tại Singapore ở mức 105,62 USD/thùng. So với khoảng 1 tháng trước, các mức giá trên giảm hơn 15 USD mỗi thùng, một sự sụt giảm khá mạnh. Còn nếu so với giá ngày 7/6, thời điểm giá xăng trong nước giảm 800 đồng/lít thì mức giá xăng A92 tại thị trường Singapore ngày 18/6 này thấp hơn hơn 5 USD mỗi thùng, tương đương gần 5%.
Như vậy, nếu tính toán trên dữ liệu giá nhập khẩu xăng A92 thành phẩm tại thị trường Singapore từ ngày 7/6 trở lại đây (thời điểm giá bán lẻ xăng trong nước giảm từ 22.700 đồng/lít xuống còn 21.900 đồng/lít), với mức thuế nhập khẩu mới là 7% áp dụng từ ngày 8/6, giá cơ sở đang thấp hơn giá bán lẻ trên 1.500 đồng/lít.
Theo Đông Nhiên
Đất Việt