Doanh nghiệp VN: Giật mình bí mật kinh doanh

Vụ <a href="http://dantri.com.vn/kinhdoanh/2006/7/127839.vip"> bí quyết Coca-Cola bị đánh cắp </a> khiến nhiều doanh nghiệp VN giật mình xem lại việc bảo vệ công thức sản xuất. Tuy được chú ý song vấn đề này còn khá mới mẻ ở VN và thường mới chỉ được coi trọng ở các công ty lớn.

Ông Vũ Mạnh Hào, Giám đốc điều hành Công ty rượu và nước giải khát Anh Đào, cho biết để giữ bí quyết kinh doanh, ông thiết kế hẳn một quy trình bảo mật và chia thành nhiều phần. “Một phần công thức và quy trình công nghệ được giao cho phòng kỹ thuật đảm trách.

 

Bộ phận này có nhiệm vụ giữ tuyệt đối bí mật. Ngoài ra, công ty cũng áp dụng nguyên tắc hạn chế tối đa khách thăm quan khu vực kỹ thuật, thậm chí ngay cả cán bộ của công ty nếu không được phép cũng không được ra vào”, ông nói.

 

Trong quy trình công nghệ, ông Hào cắt ra một công đoạn quan trọng nhất và chỉ một mình ông nắm giữ công thức. Đây cũng chính là khâu làm nên sự khác biệt rượu Anh Đào ở công ty ông và các loại rượu khác trên thị trường.

 

Công thức chế biến cà phê Trung Nguyên cũng được bảo vệ khá kỹ. Tổng giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ cho hay, từng công đoạn, từ hương liệu, nhiệt độ cho tới khâu tẩm ướp nguyên liệu được giao cho nhiều người nắm giữ. Ban đầu vị giám đốc này chịu trách nhiệm quản lý công đoạn quan trọng nhất trong 7 bước chế biến song công việc ngày càng bận rộn ông phải lựa chọn người có uy tín để chuyển giao.

 

Việc chọn người để nắm giữ các khâu quan trọng trong quy trình công nghệ được ông Vũ đặc biệt quan tâm. Đó phải là những người có tài, có đức và biết coi trọng chữ tín. Trung Nguyên thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ và tăng cường ý thức trách nhiệm của họ đối với việc gìn giữ bí quyết kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty ôtô VinaXuki, với những doanh nghiệp lớn, công nghệ sản xuất là bí mật kinh doanh, do đó việc chuyển giao công nghệ được thực hiện rất chặt chẽ.

 

Trước khi hợp tác với công ty ông, tập đoàn ôtô Hoa Thần Trung Quốc cử chuyên gia sang khảo sát năng lực nhà máy tại VN, ngoài ra VinaXuki còn phải cử nhiều đoàn kỹ sư sang Trung Quốc thuyết trình phương án sản xuất tiếp nhận công nghệ.

 

Ngoài số tiền lên tới hàng triệu USD trả cho đối tác Trung Quốc, hiện nhà máy của ông Huyên vẫn phải thuê 3-4 chuyên gia nước ngoài sang thực hiện những khâu quan trọng mà phía VN chưa thể đảm nhận được. 

 

Với những cơ sở sản xuất nhỏ, việc bảo vệ bí mật kinh doanh thường chỉ nằm ở quy mô gia đình, cha truyền con nối. Anh Bùi Đức Thắng, chủ một xưởng sản xuất hàng mỹ nghệ tại Hà Tây, cho hay cơ sở của anh sản xuất hàng sơn mài, cẩn trứng, sơn tre xuất khẩu, mỗi nhân công làm thuê được hướng dẫn một vài công đoạn, việc hoàn thiện sản phẩm cuối cùng thường do người trong gia đình anh đảm nhiệm nên ít khi lo lộ kỹ thuật.

 

Doanh nghiệp tự giữ gìn

 

Trên thế giới, vấn đề bảo hộ bí mật kinh doanh được chú ý đến từ năm 1883, từ khi Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp có hiệu lực. Khi có các vi phạm đối với bí mật kinh doanh, người ta chủ yếu áp dụng biện pháp dân sự chứ không hình sự.

 

Việc lựa chọn biện pháp xử lý này là do bí mật kinh doanh khi bị lộ thì ít ảnh hưởng tới người tiêu dùng và xã hội mà chỉ ảnh hưởng tới chủ sở hữu nó.

 

Ở Việt Nam, Nghị định 54/CP có hiệu lực từ năm 2000 cũng đã quy định về bảo hộ bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa có tranh chấp lớn liên quan đến đối tượng này.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyên Vũ, vấn đề bảo vệ bí mật kinh doanh ở VN còn khá mới mẻ và việc ăn cắp bí quyết kinh doanh đang diễn ra ngày một tinh vi hơn. Trung Nguyên cũng từng không ít lần phải đối mặt với vấn nạn này.

 

Ông Vũ kể, từng có nhân viên của ông đã bị mua chuộc và chia sẻ thông tin cho đối thủ. Tuy nhiên, do những người này chỉ nắm một phần trong quy trình công nghệ nên công ty vẫn giữ được bí quyết riêng của mình. Có nhiều trường hợp đối thủ cho nhân viên đi sưu tầm những đồ đựng hương liệu, vỏ hộp đựng cà phê về để nghiên cứu với mong muốn nhái sản phẩm của Trung Nguyên.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Phi Anh, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết, bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu có đủ các điều kiện như: Không phải là hiểu biết thông thường; Có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó lợi thế so với người không nắm giữ; Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

 

Khi đảm bảo được đầy đủ các điều kiện trên thì bí mật kinh doanh của doanh nghiệp được bảo hộ vô thời hạn. Nếu xảy ra vi phạm, chủ sở hữu có thể kiện ra toà.

 

Theo H.Vy - V.Phong

VnExpress