Doanh nghiệp cần làm gì khi bước vào thị trường “màu mỡ” như EU?

(Dân trí) - Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực thì doanh nghiệp cần phải nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác. Cần thay đổi tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…

Doanh nghiệp cần làm gì khi bước vào thị trường “màu mỡ” như EU? - 1

Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU với chủ đề “EVFTA: Chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện được tổ chức tại TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Đó là những chia sẻ từ các đại diện của Bộ Công Thương trong Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU với chủ đề “EVFTA: Chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện.

EU đầu tư vào Việt Nam hơn 53 tỷ USD trong 6 tháng

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Việt Nam và  Liên minh Châu Âu (EU) đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1990. Gần 30 năm qua, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước đã không ngừng phát triển.

Trong vòng 18 năm, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 13 lần từ khoảng 4,1 tỷ USD (năm 2000) lên 55,84 tỷ USD vào năm 2018. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,9 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 13,9 tỷ USD.

Về đầu tư trực tiếp, đến hết 6 tháng đầu năm 2019, EU có 27 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 3.205 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 53,1 tỷ USD. EU đã trở thành một trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Doanh nghiệp cần làm gì khi bước vào thị trường “màu mỡ” như EU? - 2

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ với báo chí bên lề sự kiện. Ảnh: Đại Việt

Trước đó, vào ngày 30/6/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã cùng Cao ủy Thương mại EU, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Rumani (nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU) đã ký Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Hiệp định EVFTA và EVIPA được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên cũng như tạo ra nhiều ưu đãi cho các mặt hàng xuất khẩu của hai bên.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương thì việc tận dụng được các ưu đãi này đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác nhiều bên như Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và sự tư vấn quý giá của các chuyên gia.

“Hiệp định thương mại tự do nào cũng mang đến những cơ hội và cả những thách thức. Tuy nhiên, cơ hội là rất lớn, nhất là với thị trường tiềm năng như Liên minh Châu Âu. Doanh nghiệp Việt Nam không có lý do gì mà không dấn thân vào một thị trường như vậy”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Doanh nghiệp cần làm gì khi bước vào thị trường “màu mỡ” như EU? - 3

Hàng hóa của Việt Nam và EU sẽ có nhiều cơ hội mới khi thị trường được mở cửa. Ảnh: Đại Việt

Doanh nghiệp cần làm gì khi “bước vào” EVFTA?

Bà Nguyễn Sơn Trà, Phó Trưởng Phòng WTO và Đàm phán thương mại – Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong một số ngành cụ thể như: nông sản, thủy sản và công nghiệp.

Điển hình như: EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, thuế trong hạn ngạch là 0%. Gạo tấm được xóa bỏ thuế trong 5 năm. Sản phẩm từ gạo được xóa bỏ thuế trong 3-5 năm.

Các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi cơ bản xóa bỏ thuế ngay. Cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên được xóa bỏ thuế ngay

Đối với dệt may: 42,5% số dòng thuế được xóa bỏ thuế ngay, còn lại về 0% sau 3-7 năm. Đối với da giày: 37% số dòng thuế được xóa bỏ thuế ngay, còn lại về 0% sau 3-7 năm.

Đối với mặt hàng thủy sản: 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực (hiện thuế suất phần lớn 6-22%). 50% số dòng thuế còn lại sẽ về 0% sau 3 - 7 năm.

Doanh nghiệp cần làm gì khi bước vào thị trường “màu mỡ” như EU? - 4

Nông sản là những sản phẩm có nhiều lợi thế khi vào thị trường EU. Ảnh: Đại Việt

Trao đổi về việc doanh nghiệp cần phải làm gì khi “bước vào” EVFTA, bà Nguyễn Sơn Trà cho rằng, doanh nghiệp cần phải nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác. Cần thay đổi tư duy kinh doanh, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn.

“Doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài và tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu”, bà Nguyễn Sơn Trà nói.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, khi Việt Nam mở cửa cho các doanh nghiệp EU thì các nước EU cũng mở cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam và tạo ra môi trường cạnh tranh hơn. Các mặt hàng EU có thế mạnh và các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh sẽ bổ sung cho nhau, hỗ trợ cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh.

Thế nhưng, ông Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, khi tham gia vào EVFTA thì thách thức dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là không hề ít, bởi đây là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, công nghệ chưa phát triển, vốn hạn hẹp, năng lực quản lý chưa cao…Tuy nhiên, với sự năng động của các doanh nghiệp và môi trường đầu tư được cải thiện thì các doanh nghiệp sẽ vượt qua được những thử thách.

“EVFTA sẽ khiến các doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật cao của EU. Bộ Công Thương đang xây dựng nhiều chương trình để các doanh nghiệp tuân thủ một cách nhanh hơn, chặt chẽ hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của Châu Âu. Các tiêu chuẩn xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa sẽ giúp hàng hóa Việt Nam vào thị trường Châu Âu nhanh hơn, thuận lợi hơn”, Thứ trưởng Bộ Công Thương trao đổi với Dân Trí bên lề sự kiện.

Cũng theo ông Hoàng Quốc Vượng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực để tiếp cận thị trường. Các doanh nghiệp cũng cần “dũng cảm” vượt qua các thách thức để khai thác, tận dụng và nắm bắt tối đa các cơ hội đang đến.

Đại Việt