1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp vận tải Hà Nội tăng 20% giá vé

(Dân trí) - Đợt giá xăng, dầu tăng mạnh hôm 29/3 đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải. Bắt đầu từ ngày 5/4, một số nhà khai thác vận tải tại Hà Nội chính thức điều chỉnh giá vé tăng 10 - 20%.

Trao đổi với PV Dân trí ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết: “Hai đơn vị chính thức được công ty chấp thuận phương án tăng giá là Công ty CP Thủy bộ Yên Bái tăng 20% và Công ty CP Xe khách Hà Nội tăng thêm 10% giá vé. Những doanh nghiệp vận tải khác cũng đang có kế hoạch cân đối để đề nghị tăng giá vé”.
 
Như vậy, sự tăng giá của 2 doanh nghiệp nêu trên sẽ mở màn cho hàng loạt doanh nghiệp khác xúc tiến xúc kế hoạch tăng giá.
 
Doanh nghiệp vận tải Hà Nội tăng 20% giá vé - 1
Từ 5/4, một số doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội tăng giá vé
 
Lí do các doanh nghiệp đưa ra là do "áp lực" của giá nhiên liệu và chi phí đầu vào tăng cao khiến hoạt động kinh doanh bị thua lỗ, vì vậy phải tăng giá cước vận chuyển hành khách trên các chặng tuyến để cập giá nguyên liệu đầu vào.
 
“Xăng dầu tác động trực tiếp đến hoạt động vận tải, vì thế khi giá xăng tăng cao như hiện nay thì chuyện các đơn vị vận tải tăng giá vé là không thể đừng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không để xảy ra hiện tượng các nhà xe tăng giá ồ ạt.
 
Đối với các doanh nghiệp vận tải đề nghị tăng giá, phải cung cấp đầy đủ hồ sơ đăng ký giá cước được các cơ quan chức năng chấp thuận cho tăng giá. Các đơn vị có mức tăng giá vé đột biến phải giải trình và có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý có thẩm quyền” - ông Trung cho hay.
 
Trước đó, đợt giá xăng tăng mạnh hôm 24/2, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đã tăng giá vé để bù lỗ nhiên liệu. Phía Công ty Quản lý bến xe Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các Xí nghiệp quản lý bến xe tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc tăng giá cước vận tải; niêm yết giá vé của các đơn vị trên thành xe, khu vực bán vé của bến… nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định. Các bến chỉ tổ chức bán vé theo giá mới cho đơn vị vận tải khi các đơn vị này có đầy đủ thủ tục và hồ sơ đúng quy định.
 
Được biết, chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội trong tháng 3/2011 tăng 2,41% so với tháng 2/2011. Tất cả các ngành hàng đều tăng, trong đó cao nhất là nhóm giao thông vận tải tăng tới 7,1%. Nguyên nhân chính khiến chỉ số này tăng cao được cho là chủ yếu do giá xăng dầu gây tác động.

 

 Quảng Ngãi: Nhiều doanh nghiệp tuyên bố tăng giá

 

Trước tình hình giá xăng tăng vọt, 2 hãng taxi duy nhất ở Quảng Ngãi là Quảng Ngãi Tourist (45 xe) và Mai Linh (120 xe) cũng đã tuyên bố tăng giá cước. "Nếu không tăng gia cước thì tài xế taxi và công ty phải bù lỗ”, anh Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc điều hành hãng taxi Quảng Ngãi Tourist cho biết.

 

Không chỉ các hãng taxi, các hãng du lịch lữ hành tại Quảng Ngãi cũng tăng giá tour từ 5 - 7%. Bà Huỳnh Thị Thu Vân - Giám đốc Công ty TNHH Tân Kỷ Nguyên cho biết: "Trước mắt, chúng tôi tiến hành tăng giá tour từ 5 - 7%, chủ yếu tăng giá về vận chuyển đường bộ, còn giá phòng và ăn uống vẫn giữ nguyên. Nếu tình hình giá xăng tăng cao như thế này, thì các doanh nghiệp lữ hành buộc phải tăng giá".

 

Trước việc nhiều doanh nghiệp tuyên bố tăng giá theo xăng dầu, ông Huỳnh Tấn Lợi - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo Chi Cục quản lý thị trường thường xuyên bám sát thị trường giá cả. Chỉ cho phép doanh nghiệp tăng giá các mặt hàng theo quy định và phải được cơ quan chủ quản cho phép. Trường hợp tự tiện tăng giá không phù hợp hoặc sai trái, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý ngay".

                                                                                   

Hồng Long

 
Quỳnh Anh