1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chậm hoàn thuế:

Doanh nghiệp và ngành thuế đổ lỗi cho nhau

Chậm nộp thuế, doanh nghiệp bị phạt ngay, còn ngành thuế chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp lại không sao cả . Bất đồng về hoàn thuế giữa doanh nghiệp và ngành thuế chưa biết bao giờ mới dứt.

Số lượng doanh nghiệp (DN) bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện nay tại TPHCM và cả nước là chưa thể thống kê hết và mỗi ngày càng nhiều thêm. Biện pháp giải tỏa ách tắc hoàn thuế vẫn là dấu chấm hỏi khi DN và ngành thuế đổ lỗi cho nhau.

 

“Lấy lại tiền từ cơ quan thuế, khó lắm!”

 

Cứ mỗi đợt nhập khẩu 10.000 tấn phân bón là Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lê phải tạm nộp trước khoảng 1 tỉ đồng tiền thuế GTGT. Theo bà Nguyễn Thị Ngọ, Giám đốc Công ty Hoàng Lê, với số thuế tạm nộp lớn như vậy, công ty phải vay ngân hàng, trong khi đó, phải mất vài ba tháng công ty mới tiêu thụ hết số hàng trên.

 

Phát biểu tại một cuộc đối thoại với các cơ quan chức năng mới đây, bà Nguyễn Thị Ngọ nói cay đắng: “DN phải nai lưng trả lãi cho ngân hàng. Còn muốn lấy lại tiền từ cơ quan thuế, khó lắm!”. Công ty TNHH Dây và Cáp điện Tân Cường Thành cũng bị ách hồ sơ hoàn thuế cả chục tỉ đồng. Phần lớn vốn lưu động của công ty phải vay ngân hàng, cho nên khi hồ sơ hoàn thuế bị “ngâm” vài tháng là công ty phải trả số tiền lãi không nhỏ. Hồ sơ hoàn thuế 3 tỉ đồng năm 2003 của Gỗ Đức Thành bị cơ quan thuế ách lại trong một thời gian rất dài, mỗi tháng công ty phải trả lãi đến 200 triệu đồng.

 

Đại đa số các DN đều đổ lỗi cho cơ quan thuế đã làm khó dễ họ. Ví dụ như trường hợp của Gỗ Đức Thành trước đây, thay vì hoàn trước kiểm tra sau như thông thường, hồ sơ của Đức Thành bị đưa vào danh sách kiểm trước hoàn sau vì theo ngành thuế là có dấu hiệu gian dối. Thế nhưng, đâu là chứng cứ để khẳng định như vậy thì ngành thuế không đưa ra được, chỉ suy đoán chung chung bằng miệng. Đa số DN chúng tôi liên hệ hỏi về chậm hoàn thuế đều từ chối trả lời.

 

Cán bộ lãnh đạo một hiệp hội DN tại TPHCM nói chua xót: “Tôi “kêu” hoài mà có được gì đâu, thậm chí còn bị thuế và hải quan “đì”, ngóc đầu không nổi”. Chúng tôi được biết trong hiệp hội của ông, có một chủ DN mạnh miệng “đấu” với thuế và hải quan nhiều lần nên sau đó các lô hàng nhập khẩu của DN ông bị ách dài dài...

 

Cơ quan thuế: Lỗi tại DN!

 

Một cán bộ Cục Thuế TPHCM nói rằng: “Thông tư 120/2003/TT-BTC quy định hồ sơ hoàn thuế đã rất đầy đủ, chi tiết rồi. Nếu DN thực hiện đúng quy định thì không có lý do gì hồ sơ bị ách cả. Lỗi là tại DN (?)”. Thông tư nói trên cũng quy định về thời hạn hoàn thuế: Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, tối đa là 3 ngày phải hoàn thuế GTGT đã trả; tối đa 15 ngày đối với các trường hợp hoàn thuế trước kiểm tra kể từ khi nhận đủ hồ sơ. Trường hợp kiểm tra, thanh tra trước - hoàn trả sau thì thời hạn tối đa là 60 ngày. Nhưng quy định chỉ là lý thuyết, còn thực tế thì có rất nhiều hồ sơ bị ách tới vài ba năm.

 

Ông Nguyễn Đình Tấn, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, nói: “Với những hồ sơ hoàn thuế hợp lệ, chúng tôi đã giải quyết triệt để. Còn những trường hợp bị tắc thì có lý do cụ thể của nó. Ví dụ như đối với các DN xuất khẩu, quy định hiện hành yêu cầu thanh toán qua ngân hàng, nhưng DN lại không làm đúng như vậy, buộc phải trả hồ sơ. Xác minh hóa đơn đang là gánh nặng của ngành thuế, nhưng không ít DN sau khi hoàn tất giao dịch không làm hồ sơ hoàn thuế ngay mà dồn hóa đơn xuất khẩu 4-5 năm vào cùng một lúc, dẫn tới kéo dài thời gian hoàn thuế”.

 

Sự gian lận tiềm ẩn trong các bộ hồ sơ hoàn thuế cũng là nguyên nhân khiến cán bộ thuế phải hết sức thận trọng khi ký duyệt hồ sơ. Đối với những hồ sơ “lùng bùng”, hóa đơn lòng vòng khó xác minh thì cán bộ thuế sẽ chọn giải pháp an toàn là trả hồ sơ. Nếu không, khi gian lận hoàn thuế bị phát hiện thì họ cũng bị các cơ quan pháp luật sờ gáy và thực tế đã xảy ra không ít trường hợp.

 

Theo ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cuối năm 2004, Cục Thuế TPHCM liên kết với Ngân hàng Á Châu thực hiện chương trình bảo lãnh tiền hoàn thuế cho các DN uy tín. Ngay sau đó, Cục Thuế TP đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Tài chính cho phép thực hiện nhưng đến nay bộ vẫn chưa phản hồi nên chương trình chưa thể triển khai được.

 

Theo Dương Quang

Người Lao Động