Chứng khoán "quay xe khét lẹt", giới đầu tư trở tay không kịp

Mai Chi

(Dân trí) - Hoạt động bán mạnh tại nhóm bluechips khiến thị trường giảm điểm phiên hôm nay. Sau 2 phiên tăng, cú đảo chiều vào thời điểm cuối phiên hôm nay khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay.

Phần lớn thời gian giao dịch của phiên 29/5 vẫn là trạng thái giằng co. Tuy nhiên, kịch bản phiên hôm nay lại đảo ngược. Hoạt động bán mạnh tại nhóm cổ phiếu bluechips đã khiến VN30-Index đánh rơi 15,73 điểm tương ứng 1,21% và VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên tại 1.272,64 điểm, mất 9,09 điểm tương ứng 0,71%.

HNX-Index điều chỉnh 1,43 điểm tương ứng 0,58% trong khi UPCoM-Index vẫn giữ được trạng thái tăng nhẹ 0,31 điểm tương ứng 0,32%.

Việc thị trường lao dốc cuối phiên khiến giới đầu tư bất ngờ nhưng lại không có nhiều mã giảm sàn, chứng tỏ đây đơn thuần là hoạt động chốt lời khi mà phần lớn giới đầu tư đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn, đặc biệt là những nhà giao dịch lướt sóng T+. Tuy vậy, áp lực bán dồn vào cuối phiên, nhiều nhà đầu tư sẽ không kịp trở tay.

Trước đó, VN-Index đã có 2 phiên tăng điểm, phiên hôm qua thậm chí tăng mạnh hơn 14 điểm.

Độ rộng thị trường hôm nay nghiêng nhẹ về phía các mã giảm giá với 467 mã giảm, 18 mã giảm sàn so với 441 mã tăng, 41 mã tăng trần. Riêng sàn HoSE có 260 mã giảm giá, 182 mã tăng giá.

Thanh khoản thị trường được nới rộng, với 1,07 tỷ cổ phiếu giao dịch trên sàn HoSE tương ứng giá trị giao dịch 25.430,34 tỷ đồng; HNX có 94 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.771,35 tỷ đồng và con số trên sàn UPCoM là 82,13 triệu cổ phiếu tương ứng 1.280,17 tỷ đồng.

Chứng khoán quay xe khét lẹt, giới đầu tư trở tay không kịp - 1

Thanh khoản HoSE cao hơn so với hôm qua (Nguồn: VNDS).

Hoạt động chốt lời tập trung tại cổ phiếu VN30. Rổ này có tới 27 mã giảm giá và chỉ có 2 mã tăng. Theo đó, VCB, HPG, BID, VIC, CTG, GVR, VHM điều chỉnh là ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index.

Trong khi hầu hết cổ phiếu ngân hàng giảm giá, HDB giảm 2,9%; STB giảm 2,1%; VIB, CTG, OCB, SHB, MBB, ACB, MSB, BID, VCB giảm từ 1% đến gần 2% thì EIB và LPB lại lần lượt tăng 4,8% và 3,8%. Thanh khoản tại 2 mã này cũng tích cực với khớp lệnh tại EIB là 33,1 triệu cổ phiếu và tại LPB là 10,4 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu bất động sản phân hóa và gây chú ý khi có nhiều mã tăng tốt. Có thể kể đến CCL, SGR và DRH tăng kịch biên độ; LDG tăng 6,5%; DXS tăng 6,2%; AGG tăng 5,9%; KHG tăng 5,4%; SCR tăng 4,8%... Một số mã quay đầu giảm sau khi đạt được trạng thái tăng trong phiên như QCG giảm 3,8%; NVT giảm 3%; HDC giảm 3%; NVL giảm 2,4% và HDG cũng giảm 2,4%.

Một số cổ phiếu thực phẩm, đồ uống thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. CMX tăng trần; VCF tăng 3,7%; BHN tăng 2,3%; HNG tăng 1,9%; ASM tăng 1,7%; ANV, AGM, IDI tăng giá tốt.

Trong nhóm dịch vụ tài chính, cổ phiếu BCG tăng trần, VDS tăng 2,9%; FIT tăng 2,3%; ORS tăng 2,2%; AGR tăng 2%; VND tăng 1,7% nhưng phần lớn điều chỉnh: CTS, HCM, TVB, DCM, FTS, SSI, TCI, VIX đồng loạt giảm giá.

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tiếp tục bứt tốc, tăng 5,2% lên 28.300 đồng với khớp lệnh hơn 6,4 triệu đơn vị. Trong khi đó, VJC giảm 1,6%; VNS giảm 0,9%.

Quan sát thấy rằng dòng tiền đang có sự dịch chuyển từ cổ phiếu lớn sang cổ phiếu nhỏ. Trong khi VN30-Index giảm gần 16 điểm thì UPCoM-Index vẫn đạt trạng thái tăng; VNMID-Index đại diện cổ phiếu vốn hóa trung bình tăng 1,71 điểm tương ứng 0,09% và VNSML-Index tăng 9,18 điểm tương ứng 0,6%.

Trên sàn HNX, cổ phiếu "họ" Apec có biến động. Theo đó, API quay xe giảm từ mức giá trần 12.400 đồng, đóng cửa ở mức giá sàn 10.200 đồng. APS cũng tương tự giảm từ mức giá trần 9.600 đồng xuống mức sàn 8.000 đồng; IDJ áp sát mức sàn, mất 8,7% còn 7.300 đồng sau khi tăng trần lên 8.800 đồng.