Doanh nghiệp tuần qua: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm điều chưa từng có
(Dân trí) - Đơn vị sở hữu Volvo Việt Nam, cổ phần của ông Trịnh Văn Quyết tại FLC, công ty trong vụ cựu lãnh đạo đánh bạc, kế hoạch mua lại cổ phiếu của Vinhomes... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.
Ai sở hữu Volvo Việt Nam, kinh doanh thế nào?
Sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm Công ty cổ phần SVC Holdings, đơn vị sở hữu hệ thống phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam, vào năm ngoái, đến đầu tháng 7 vừa qua, Tasco tiếp tục công bố đã sở hữu 100% Công ty TNHH Sweden Auto, đơn vị nhập khẩu và phân phối chính hãng thương hiệu xe Volvo duy nhất tại Việt Nam.
Việc mua lại Sweden Auto giúp Tasco đã củng cố vị thế là nhà phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam, sở hữu 100% vốn của công ty nhập khẩu và phân phối xe Volvo.
Người đứng đầu Tasco hiện nay là ông Vũ Đình Độ. Ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Công ty cổ phần Tasco từ tháng 4/2022.
Ông Độ được biết đến là nhà đầu tư, người đồng sáng lập và đồng hành cùng sự phát triển của các công ty phát triển hạ tầng cấp nước, các công ty sản xuất vật tư hạ tầng ngành nước, sản xuất vật liệu hoàn thiện cơ bản… trong hệ thống Công ty cổ phần DNP Holding.
Trong quý II, Tasco có doanh thu thuần tăng đột biến, gấp 20,4 lần cùng kỳ lên 6.430 tỷ đồng; lãi sau thuế 60,6 tỷ đồng, tăng gấp 6,2 lần quý II/2023. Nguyên nhân tăng trưởng mạnh đến từ việc các mảng hoạt động đều tăng trưởng, đặc biệt đến từ mảng kinh doanh của xe ô tô sau khi hoàn thành hợp nhất Tasco Auto trở thành công ty con từ tháng 9/2023.
Lũy kế 6 tháng, Tasco đạt 11.634,3 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18,6 lần cùng kỳ năm ngoái, lãi sau thuế 92,7 tỷ đồng, gấp 6,8 lần (tương ứng tăng 579,5%).
Thương vụ lịch sử của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Công ty cổ phần Vinhomes thông báo sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu VHM, chiếm 8,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty, theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Thời gian dự kiến mua lại được phía Vinhomes cho biết, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký mua lại và công ty đã công bố thông tin về việc mua lại cổ phiếu theo quy định.
Nói về mục đích mua lại, Vinhomes cho hay, thị giá VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty, việc mua lại cổ phiếu nhằm đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông.
Thực tế, cổ phiếu VHM đang giao dịch ở vùng thấp lịch sử của mã này. Đóng cửa phiên 6/8, mức thị giá VHM là 34.800 đồng/đơn vị, và ngay cả khi tăng trần trong phiên 7/8 thì mức thị giá VHM cũng thấp hơn 40% so với thời điểm 1 năm trước.
Tạm tính theo thị giá VHM hiện nay, Vinhomes sẽ phải dự chi khoảng 13.764 tỷ đồng để mua lại số cổ phiếu nói trên. Nếu thành công, công ty trong hệ sinh thái doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ ghi nhận thương vụ mua lại cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam .
Việc mua lại 370 triệu cổ phiếu sẽ khiến vốn điều lệ của Vinhomes giảm 3.700 tỷ đồng, đồng thời số lượng cổ phiếu đang lưu hành giảm tương ứng, giúp lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) tăng lên.
Cổ phiếu liên quan đại gia Hải Phòng bị bán tháo
Phiên giao dịch 8/8, cổ phiếu TCH và HHS liên quan đến đại gia đất cảng Hải Phòng Đỗ Hữu Hạ bất ngờ bị bán tháo cuối phiên sau khi đạt được trạng thái tăng trước đó.
HHS của Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy giảm sàn về 8.610 đồng, khớp lệnh 3,4 triệu cổ phiếu và dư bán sàn hơn 2 triệu đơn vị. Trong khi đó, TCH của Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy giảm sàn về 16.600 đồng, khớp lệnh 21,1 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 12,8 triệu đơn vị.
Ông Đỗ Hữu Hạ là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy, sở hữu 262,12 triệu cổ phiếu TCH tương ứng nắm 39,23% vốn điều lệ công ty; đồng thời ông Hạ cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy. Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy nắm 177,27 triệu cổ phiếu HHS, chiếm 51,06% vốn điều lệ Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy.
Bên cạnh cặp cổ phiếu "họ" Hoàng Huy thì HAG của Hoàng Anh Gia Lai cũng giảm sàn về 10.750 đồng/đơn vị, khớp lệnh "khủng" 34,8 triệu đơn vị, dư bán sàn xấp xỉ 4 triệu cổ phiếu. HVN của Vietnam Airlines giảm sàn về 19.950 đồng, khớp lệnh 6,9 triệu đơn vị và có dư bán sàn.
Bị tuyên án 21 năm tù, ông Trịnh Văn Quyết vẫn đang sở hữu cổ phần 30,34% FLC
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) công bố báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2024. Với vốn điều lệ công ty ở mức 7.100 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết mặc dù đã rời khỏi các chức vụ tại tập đoàn này do vướng lao lý song vẫn là cổ đông lớn nhất tại FLC.
Theo báo cáo này, tại thời điểm 30/6, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu 215.436.257 cổ phiếu FLC, chiếm tỷ lệ 30,34% vốn điều lệ công ty. Ông Quyết xuất hiện trong bản báo cáo với tư cách là người có liên quan với người nội bộ là ông Lê Bá Nguyên. Ông Quyết là em rể của ông Nguyên.
Chiều ngày 5/8, trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC , 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt 21 năm tù.
Hồ sơ công ty trong vụ đánh bạc liên quan cựu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ
Ông Hồ Đại Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cùng ông Ngô Ngọc Đức, nguyên Bí thư TP Hòa Bình, và nhiều người khác bị điều tra trong vụ án Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc.
Theo Bộ Công an, ngày 22/6, Cơ quan An ninh điều tra phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt quả tang nhiều đối tượng có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép tại Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Kiều Chi nhánh Hà Nội - King Club (Khách sạn Pullman, số 40 Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP Hà Nội), thuộc Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư và giải trí Việt Hải Đăng.
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về thành lập doanh nghiệp, công ty này là công ty TNHH hai thành viên trở lên, được thành lập vào tháng 4/2000. Trụ sở của Công ty TNHH dịch vụ đầu tư và giải trí Việt Hải Đăng đặt tại khách sạn Equatorial, quận 5, TPHCM.
Hoạt động kinh doanh chính của công ty là xổ số, cá cược và đánh bạc. Cụ thể là dịch vụ giải trí máy chơi điện tử có thưởng (máy giật xèng) phục vụ đối tượng khách hàng có hộ chiếu nước ngoài.
Công ty này đã thay đổi đăng ký kinh doanh 21 lần cũng như nhiều lần thay đổi cơ cấu cổ đông. Hiện doanh nghiệp có vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Công ty giày chi 20 tỷ đồng cho 42.000 công nhân đi du lịch Đà Lạt
Ngày 7/8, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam cho biết Ban chấp hành công đoàn cơ sở phối hợp với Ban giám đốc Công ty sẽ tổ chức cho toàn bộ công nhân công ty tại 3 nhà máy ở huyện Vĩnh Cửu, huyện Long Thành và huyện Tân Phú (Đồng Nai) đi du lịch tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) với số lượng hơn 42.000 người.
Dự kiến đợt 1 sẽ có 12.000-15.000 công nhân, số còn lại sẽ đi trong năm 2025 và 2026. Kinh phí du lịch do công đoàn hỗ trợ, từ tiền vé, ăn uống, nghỉ ngơi. Số tiền ước tính là hơn 20 tỷ đồng.
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về thành lập doanh nghiệp cho thấy, Công ty TNHH Changshin Việt Nam được thành lập ngày 8/8/1994. Công ty này có trụ sở chính tại khu công nghiệp Thạnh Phú, xã thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Công ty này hiện có vốn điều lệ là 803,14 tỷ đồng, tương đương 40 triệu USD. Chủ sở hữu của doanh nghiệp này là công ty Changshin Inc, có trụ sở tại tỉnh Busan, Hàn Quốc. Tổng giám đốc của Changshin Việt Nam là ông Kim Si Jung, quốc tịch Hàn Quốc.
Về công ty mẹ tại Hàn Quốc, Changshin là doanh nghiệp chuyên sản xuất giày cho Nike, được thành lập năm 1981. Công ty này hiện có 3 nhà máy sản xuất được đặt tại Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.
Nhà máy Changshin Việt Nam là nhà máy đầu tiên mở tại nước ngoài của doanh nghiệp Hàn Quốc này, có vai trò là trung tâm phát triển và sản xuất các mẫu giày phổ biến của Nike.
Đạm Hà Bắc lỗ gần trăm tỷ đồng, có lý do… bị sét đánh
Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - mã chứng khoán: DHB) công bố báo cáo tài chính bán niên đã được kiểm toán với mức lỗ 99,3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 479,8 tỷ đồng).
Giải trình về kết quả kinh doanh 6 tháng, Đạm Hà Bắc cho biết, tình hình sản xuất không thuận lợi do diễn biến thời tiết bất thường, nắng nóng mưa giông nhiều, đặc biệt là sét đánh nhiều lần làm đứt đường dây truyền tải điện của công ty khiến các dây chuyền sản xuất phải ngừng đột xuất, ảnh hưởng trực tiếp lớn đến thiết bị.
Khi công ty khắc phục được các sự cố do điện lưới, chạy máy trở lại thì phát hiện có phát sinh rò thiết bị nên phải ngừng máy dài ngày để khắc phục và kết hợp đại tu bảo dưỡng, sửa chữa lớn. Vì vậy, thời gian chạy máy giảm 45 ngày so với kế hoạch, không có sản phẩm. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt giá than vẫn giữ ở mức cao.
Như vậy, với kết quả thua lỗ nửa đầu năm, lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc - từng là "cánh chim đầu đàn" của ngành phân đạm Việt Nam - đã lên tới 2.209,6 tỷ đồng.
Công ty xăng dầu nhà "đại gia kim cương" bị phạt, tước giấy phép 45 ngày
Trong báo cáo về việc kiểm tra, xử lý 247 vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu trong 7 tháng, Bộ Công Thương tiết lộ lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra, xử phạt 3 "ông lớn" đầu mối.
Danh sách bao gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (Nghệ An); Công ty cổ phần Appollo Oil (TPHCM); Công ty TNHH Trung Linh Phát (Ninh Bình). Các doanh nghiệp này vi phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Theo tìm hiểu, kiểm tra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Tổng cục QLTT đã phát hiện doanh nghiệp này có các hành vi vi phạm là thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Thiên Minh Đức số tiền 85 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 45 ngày, kể từ ngày 6/3 đến hết ngày 21/4.
Tập đoàn Thiên Minh Đức là một trong những doanh nghiệp đầu mối về xuất nhập khẩu xăng dầu tại Nghệ An và khu vực miền Trung, có mạng lưới phân phối bán lẻ xăng dầu lớn. Công ty được thành lập ngày 4/9/2001, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài.
Thời điểm tháng 9/2022, tập đoàn này nâng vốn điều lệ từ 1.455 tỷ đồng lên 2.022 tỷ đồng. Bà Chu Thị Thành sở hữu 77,15% cổ phần công ty, "đại gia kim cương" Chu Đăng Khoa sở hữu 22,77% cổ phần.
Ngày 20/12/2023, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), tạm hoãn xuất cảnh với bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Đức do đơn vị này chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.