1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp Trung Quốc: lớn nhưng không mạnh

(Dân trí) - Theo bảng xếp hạng các doanh nghiệp lớn nhất thế giới Fortune Global 500 mới được công bố, số lượng các doanh nghiệp Trung Quốc trong Top 500 đã vượt Nhật và chỉ đứng sau Mỹ. Tuy nhiên đằng sau vẻ “hoành tráng” về quy mô này là không ít hạn chế.

Kết quả xếp hạng Fortune Global 500 được công bố hồi tháng trước cho thấy Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia có nhiều đại diện thứ hai trên bảng xếp hạng này, chỉ sau Mỹ. Thông tin này sau đó được báo giới Trung Quốc đăng tải rầm rộ. Thế nhưng theo tiến sỹ Ning Zhu, phó giám đốc Học viện tài chính cấp cao Thượng Hải, giảng viên đại học Yale và đại học California của Mỹ, thì doanh nghiệp Trung Quốc dù lớn những không hẳn đã mạnh.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lớn mạnh nhờ được bảo hộ
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lớn mạnh nhờ được bảo hộ
và độc quyền (Ảnh: Internet)

Theo quan sát của ông, đa số các công ty dẫn đầu tại Trung Quốc đại lục đều xuất thân từ những ngành độc quyền hoặc bán độc quyền. Đó là những những lĩnh vực mà rào cản gia nhập là rất cao còn tính cạnh tranh hầu như không có. Bên cạnh đó, nếu tiêu chí xếp hạng được đổi từ doanh thu khả năng sinh lời thì rất nhiều công ty của Trung Quốc sẽ rớt hạng.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính Trung Quốc, 7 tháng đầu năm lợi nhuận của các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) giảm tới 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 190,5 tỷ USD. So với tháng 6 mức sụt giảm cũng lên tới 11,6%.

China Mobile Ltd, một trong những SOE lớn nhất Trung Quốc lợi nhuận cũng đã tăng trưởng chậm nhất 13 năm qua. Trong quý II, lợi nhuận của họ chỉ đạt 34,4 tỷ nhân dân tệ (5,4 tỷ USD), thấp hơn mức 34,42 tỷ nhân dân tệ cùng kỳ 2011.

Không những vậy sự lớn mạnh về quy mô của (SOE) còn khiến các doanh nghiệp tư nhân nước này có cảm giác rằng sự phát triển của kinh tế tư nhân sẽ bị cản trở, đồng thời khiến hoạt động kinh doanh của chính các SOE trở nên quá ôm đồm.

Những lo ngại này không phải không có cơ sở bởi trong bản báo cáo hồi đầu năm, ngân hàng thế giới (WB) và Trung tâm nghiên cứu phát triển Hội đồng nhà nước Trung Quốc đã khuyến cáo rằng để tăng tính cạnh tranh, các SOE phải bị hạn chế về quy mô, thay đổi mô hình tăng trưởng và tăng cổ tức.

Những khuyến cáo và nhận định này hoàn toàn phù hợp với cảm nhận chung của dư luận. Hiện ngày càng nhiều sinh viên tại Trung Quốc xem các SOE là đích đến lý tưởng khi ra trường với một lí do không mấy tích cực: “Mặc dù mức lương danh nghĩa không cao, các SOE lại đem đến những lợi ích vượt trội và công việc thì không áp lực lắm”, một sinh viên chia sẻ.

Nhiều quan chức cấp cao của chính Ủy ban giám sát và quản lý tài sản quốc gia Trung Quốc (SASAC), đơn vị quản lý các SOE, cũng từng thừa nhận rằng dù có sự tăng trưởng về quy mô, hiệu quả hoạt động và sinh lời của các SOE lại không được cải thiện tương xứng. Vậy có điều gì không ổn ở đây?

Chia sẻ với tờ China Daily, tiến sỹ Ning Zhu cho rằng chính chiến lược của các doanh nghiệp Trung Quốc còn nhiều tồn tại. Với mục tiêu giảm bớt số lượng các SOE, SASAC vô tình khiến những SOE còn lại không chỉ càng trở lên lớn hơn mà còn phức tạp hơn. Bằng cách thâu tóm các doanh nghiệp nhỏ, những SOE còn lại tham gia vào nhiều lĩnh vực và ngành nghề vốn họ không quen thuộc.

Điều này đã đi ngược lại xu hướng chung của các doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển. Các nghiên cứu hơn 30 năm trở lại đây cho thấy các công ty của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hiện ngày càng trở nên tập trung hơn vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Số lượng các tập đoàn đa ngành (tham gia vào ít nhất 5 ngành khác nhau) đã giảm đều đặn trong 30 năm qua. Trong khi đó số lượng các doanh nghiệp chuyên môn hóa cao, có doanh thu đến từ không quá 3 ngành nghề, lại tăng lên.

Bản thân các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng chỉ quan tâm tới các công ty có mô hình kinh doanh rõ ràng và sức cạnh tranh cao để thành công trong ngành đó. Một ví dụ điển hình đó là nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet, người nổi tiếng luôn kiên định với triết lý chọn những doanh nghiệp đơn giản với lợi thế cạnh tranh rõ ràng trong dài hạn.

Một ví dụ cụ thể khác về xu thế chuyên môn hóa mới đây đó là việc chia tách của tập đoàn News Corporation. Là một trong những hãng truyền thông lớn nhất thế giới, News Corp gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý các hoạt động xuất bản truyền thống trước sự phát triển vũ bão của truyền hình, internet và điện ảnh. Tỷ trọng đóng góp vào lợi nhuận của lĩnh vực in ấn ngày một giảm.

Để vực dậy tập đoàn, ông chủ Murdoch đã quyết định chia tách News Corp thành hai mảng riêng biệt, một chuyên về xuất bản, mảng còn lại tập trung vào phim và truyền hình. Ngay khi thông tin này được công bố, bổ phiếu của NewsCorp đã tăng giá 30% chỉ trong 1 tuần.

Với việc Trung Quốc vẫn còn đang trong giai đoạn kinh tế phát triển nhanh, quy mô các công ty của nước này sẽ tiếp tục tăng. Dù vậy điều đó không có nghĩa là sự gia tăng này cũng đi đôi với sự nâng tầm về khả năng cạnh tranh hay tạo lợi nhuận chừng nào nước này chưa có một cuộc tái cấu trúc sâu rộng, nhất là đối với các SOE. Bởi vậy có lẽ sẽ còn phải rất lâu nữa việc một công ty Trung Quốc lọt vào tốp đầu Fortune Global 500 mới được các đối thủ trên thế giới nhìn bằng con mắt nể phục.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm