Doanh nghiệp TPHCM gồng mình lo cho công nhân để được hoạt động

Việt Đức

(Dân trí) - "Nhiều gánh nặng chi phí đang đè lên doanh nghiệp, chịu sao cho thấu, nhưng chúng tôi phải chấp nhận để duy trì sản xuất", Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TPHCM Đỗ Phước Tống chia sẻ.

Từ tối 13/7, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM tất bật chuẩn bị phương án sản xuất để thực hiện theo hướng dẫn mới của chính quyền thành phố. 

TPHCM chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất với các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện phương châm "3 tại chỗ", gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ hoặc phương án "một cung đường - 2 địa điểm" - vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện nêu trên và đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch thì mới được phép tiếp tục hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp cũng phải xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần, tự chi trả chi phí. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7 cho đến khi có chỉ đạo mới.

Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị trước

Đại diện Tập đoàn Kido cho biết toàn bộ công nhân và quản lý của các nhà máy dầu ăn, kem cũng như kho trung chuyển hàng hóa tại TPHCM đã chuyển vào ăn ở tập trung tại nơi sản xuất từ hơn 10 ngày trước. Ngoài ba bữa ăn chính mỗi ngày, doanh nghiệp cũng cung cấp thêm các loại thực phẩm khác như nước cam, sữa chua để tăng cường sức khỏe cho công nhân.

"Chúng tôi thực hiện quyết liệt ngay từ đầu. Tinh thần của người lao động là sẵn sàng ở lại nhà máy cho đến khi hết dịch, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho cả nước", đại diện doanh nghiệp sản xuất thực phẩm này chia sẻ.

Một số doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm khác như Masan, Sabeco cũng cho biết đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật dụng sinh hoạt cần thiết cần thiết để tổ chức cho công nhân ăn ở tại chỗ.

"Công ty cũng tăng cường nhiều hoạt động hỗ trợ để đảm bảo an toàn, tăng cường sức khỏe và cả tinh thần cho nhân viên tại nhà máy thời gian này", đại diện Sabeco thông tin.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TPHCM, cho biết một số công ty đã chuẩn bị, tổ chức cho công nhân làm việc, ăn ở tập trung từ cách đây vài tuần với tỷ lệ ban đầu khoảng 30-40% và đến hiện tại có thể tăng lên 70-80%, đáp ứng phương châm "3 tại chỗ" của TPHCM. Tất nhiên có nhiều công nhân không ở lại nhà máy vì hoàn cảnh, lý do riêng.

Doanh nghiệp TPHCM gồng mình lo cho công nhân để được hoạt động - 1

Một nhà máy trong khu công nghệ cao dựng lều trại cho công nhân ở lại từ đầu tháng 7 (Ảnh: Hải Long).

Chấp nhận tạm dừng sản xuất vì không chuẩn bị kịp

Ngược lại, những doanh nghiệp chưa chuẩn bị trước xoay xở rất khó khăn. Theo ông Tống, việc chuẩn bị chỗ ở ra sao cho cả trăm con người tại nhà máy, mua sắm trang thiết bị ở đâu, việc ăn uống như thế nào khi hàng quán không được bán mang đi là những bài toán rất khó để doanh nghiệp giải quyết chỉ trong một ngày.

Ngoài ra, nhiều công ty đặt nhà máy và văn phòng làm việc xa nhau, khi cần giải quyết công việc, nhân sự sẽ đi lại giữa hai nơi. Nếu phải di chuyển tập trung đi và đến nhà máy, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. 

Phương án thuê khách sạn làm nơi ở tập trung cho công nhân để di chuyển "một cung đường - 2 địa điểm" cũng không dễ thực hiện. Việc thuê khách sạn, bố trí xe đưa đón, nhất là trong điều kiện xe hiện tại chỉ được chở 50% số ghế tốn kém nhiều chi phí.

"Đã có doanh nghiệp thông báo tạm dừng sản xuất, cho công nhân nghỉ từ ngày mai. Nhiều anh em báo với tôi không thể nào lo kịp trong một ngày. Động viên công nhân ở lại công ty cũng không phải chuyện đơn giản", ông Tống chia sẻ với Dân trí.

Ông Tống cũng cho rằng yêu cầu xét nghiệm công nhân định kỳ 7 ngày/lần cũng tạo thêm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Nếu đưa toàn bộ công nhân đi xét nghiệm tại cơ sở y tế sẽ dẫn đến việc tập trung đông người, mất nhiều thời gian, chưa kể nguy cơ lây nhiễm. Còn việc thuê dịch vụ xét nghiệm tại chỗ sẽ khiến chi phí bị đội lên rất cao, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp đã phải căng thẳng, tốn kém nguồn lực lo cho công nhân ăn ở tập trung.

Doanh nghiệp TPHCM gồng mình lo cho công nhân để được hoạt động - 2

Công nhân nhà máy Nidec Sankyo tại TP Thủ Đức lấy mẫu xét nghiệm cuối tháng 6 (Ảnh: Nguyễn Quang).

"Để không đứt gãy chuỗi sản xuất, doanh nghiệp phải hoạt động nhằm giữ chân khách hàng lâu dài. Trong tình hình này, nhiều gánh nặng chi phí đang đè lên doanh nghiệp, chịu sao cho thấu, nhưng chúng tôi phải chấp nhận để duy trì sản xuất", doanh nhân này chia sẻ.

Ông Tống nhấn mạnh doanh nghiệp rất cần cơ quan quản lý hỗ trợ trong khả năng như việc xét nghiệm. Theo ông, yêu cầu phải tự chi trả chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần là gánh nặng rất lớn với doanh nghiệp. Trong khi đó, Nhà nước xét nghiệm tầm soát miễn phí trong cộng đồng và công nhân cũng là người dân. Ông mong mỏi các cơ quan y tế có phương án hỗ trợ xét nghiệm tại nhà máy.

Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất cũng cần doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu, vật tư, dịch vụ kỹ thuật từ các công ty kinh doanh dịch vụ cung ứng. Nếu những doanh nghiệp này không thể hoạt động, chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy.