TPHCM:
31 doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận ngừng hoạt động vì Covid-19
(Dân trí) - Doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận (KCX Tân Thuận - quận 7, TPHCM) có người dương tính với SARS-CoV-2 sẽ buộc phải cách ly y tế, ngừng hoạt động.
Chiều ngày 12/7, ông Hoàng Minh Tuấn Anh - Chủ tịch UBND Quận 7 xác nhận, lực lượng chức năng đã yêu cầu cách ly y tế đối với các doanh nghiệp có ca dương tính với SARS-CoV-2 nằm trong KCX Tân Thuận.
"Chỉ là cách ly y tế với các công ty có ca dương tính, không phải là cách ly y tế với Khu chế xuất Tân Thuận", ông Hoàng Minh Tuấn Anh khẳng định.
UBND quận 7 cũng đã gửi thông báo đến 29 doanh nghiệp trong KCX Tân Thuận có công nhân dương tính với SARS-CoV-2 tạm thời phong tỏa cách ly y tế để kiểm soát dịch bệnh; Xem xét tạm ngưng hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp này.
Liên quan đến việc kiểm soát dịch bệnh tại KCX Tân Thuận, đại diện Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) cho biết, đơn vị này vừa có thông báo về việc tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp trong KCX Tân Thuận.
Theo đó, đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng phải tạm ngưng hoạt động khi có ca mắc Covid-19 thì phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch, phải tạm ngưng sản xuất để đảm bảo việc kiểm soát an toàn phòng dịch. Doanh nghiệp chỉ được sản xuất trở lại khi có ý kiến chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Đối với các doanh nghiệp đã đăng ký với HEPZA "vừa sản xuất, vừa lưu trú tại chỗ" sẽ tiếp tục hoạt động, thực hiện theo kế hoạch đăng ký, bảo đảm kiểm soát không cho người ra vào khỏi doanh nghiệp, trừ trường hợp cấp bách.
Đối với các doanh nghiệp đã đăng ký làm việc trong thời gian thực hiện theo Công văn số 2279/UBND-VX ngày 8/7 của UBND TPHCM thì phải khẩn trương triển khai thực hiện nội dung "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) đáp ứng các yêu cầu an toàn cho người lao động bên trong nhà máy tại KCX Tân Thuận.
Hoặc doanh nghiệp phải thuê chỗ ở tập trung, như: khách sạn, ký túc xá… bên ngoài khu chế xuất và tổ chức quản lý chặt chẽ đưa đón người lao động bằng phương tiện công ty, không để người lao động tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân, áp dụng từ 0h ngày 13/7.
Đối với ô tô đưa đón lãnh đạo, chuyên gia của doanh nghiệp chỉ được phép ra vào Khu chế xuất Tân Thuận khi có gắn phù hiệu do Ban Chỉ huy thống nhất quận 7 cấp.
Các hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa của các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải tạm ngưng hoạt động khi có ca mắc Covid-19 thì chỉ được thực hiện với số lượng nhân sự không quá 5 người.
Đồng thời, HEPZA cũng giao Công ty TNHH Tân Thuận (đơn vị quản lý KCX Tân Thuận) tổng hợp danh sách các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại khu chế xuất này trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16; Lập danh sách phương tiện đưa đón lãnh đạo, chuyên gia của các doanh nghiệp để được cấp phù hiệu cho phương tiện được phép lưu thông.
Theo đại diện của HEPZA, dịch bệnh Covid-19 tại KCX Tân Thuận đang có diễn biến phức tạp. Dựa trên cơ sở phân tích số liệu kết quả lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại KCX Tân Thuận, tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao nếu không kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp và người lao động trong khu vực này.
Được biết, KCX Tân Thuận hiện có 250 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 60.000 công nhân lao động.
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên 31 doanh nghiệp trong khu chế xuất này đã tạm ngừng hoạt động để phòng dịch. Trong đó, có 2 doanh nghiệp tự đề xuất tạm ngừng hoạt động và 29 doanh nghiệp được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận 7 đề nghị tạm ngừng hoạt động từ ngày 10/7.
Theo báo cáo của HEPZA, tính từ ngày 27/4 đến 5/7, tại TPHCM đã có hơn 800 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở 38 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp có số ca dương tính nhiều nhất là 236 ca.