Doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng “phất lên” với TPP
(Dân trí) - Hiện nay, 11 nước thành viên tham gia TPP đều là những đối tác chiến lược của thủy sản Việt Nam. Dự báo, các doanh nghiệp thủy sản sẽ hưởng lợi từ TPP, tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải vượt qua được các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn của Hiệp định này.
Hồi đầu tháng 10, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng và kết thúc đàm phán Hiệp định TPP của 12 nước thành viên.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, với chính sách tạo thuận lợi thương mại, cam kết xóa bỏ thuế quan và các biện pháp hàng rào phi thuế quan, các tiêu chuẩn cao về các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, an toàn lao động và an toàn thực phẩm, TPP được coi là Hiệp định của thế kỷ 21 dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Hiện nay, 11 nước thành viên tham gia TPP là: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Mexico, Malaysia, Newzealand, Chile, Peru và Brunei đều là những đối tác chiến lược của thủy sản Việt Nam.
Theo cam kết, các nước thành viên tham gia TPP sẽ được giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu hàng hóa và cắt giảm bằng 0% năm 2015.
Vasep đánh giá, đây là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản - thị trường đối tác lớn thứ 2 (sau Mỹ) trong 11 nước tham gia TPP. Nhiều năm trước đây thuế suất của Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN.
Mới đây, theo đúng lộ trình của TPP, Nhật Bản đã bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm cá ngừ, cá hồi và mở cửa cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các nước thành viên tham gia tích cực hơn vào thị trường này.
Dự báo trong năm 2016, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản sẽ vượt qua mức tăng trưởng âm và có thể tăng từ 5%-15% so với năm nay.
Về mặt hàng tôm, tính đến nửa đầu tháng 9/2015, giá trị xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Australia đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, giảm gần 48%, Canada giảm 19,5% và Australia giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sự thuận lợi hơn trong năm 2016 sẽ mang lại nhiều hi vọng hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam nhờ thêm sức cạnh tranh so với các nguồn cung đối thủ khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ TPP, tuy nhiên đó chỉ là một mặt của vấn đề.
Để bước ra sân chơi lớn và nắm được các cơ hội, các doanh nghiệp thủy sản phải nhanh nhạy với thị trường, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm xuất khẩu để không bị lúng túng trước các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn, đồng thời sức cạnh tranh phải cao so với các nước nguồn cung khác cùng tham gia TPP.
Theo Bộ Công Thương, TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu với 800 triệu dân được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. TPP được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước nhảy vọt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước.
Bích Diệp