Doanh nghiệp thực phẩm chức năng lo "bị sốc" khi gia nhập TPP

(Dân trí) - Yêu cầu đầu tư nhà xưởng, máy móc, công nghệ, nhân sự, môi trường, phòng kiểm nghiệm… để có thể tham gia cuộc chơi TPP là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp trong ngành.

 

Để có thể tham gia cuộc chơi TPP là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp trong ngành.
Để có thể tham gia cuộc chơi TPP là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp trong ngành.

Phát biểu tại hội thảo “Doanh nghiệp thực phẩm chức năng với hội nhập TPP” diễn ra ngày 24/11, TS Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Bài học sau 8 năm gia nhập WTO cho thấy, cơ hội có khi lại trở thành thách thức nếu chúng ta thiếu ứng xử chính sách thích hợp và thiếu những cải cách bên trong cần thiết”.

“Cam kết và thực thi trong TPP và các FTA Việt Nam đang đàm phán, tương thích với yêu cầu cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội, thách thức cho cả Chính phủ, doanh nghiệp và nền kinh tế. Tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức tuỳ thuộc vào chúng ta”, ông Thành nói.

Thông tin đưa ra tại hội thảo cho thấy, với ngành thực phẩm chức năng, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với thị trường tiềm năng 800 triệu dân từ 12 quốc gia thành viên với nhu cầu tiêu thụ lên tới 50 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, thị trường lớn nhất như Mỹ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chức năng lên tới 30 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, trong số hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng nội đang hoạt động, có tới 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó số doanh nghiệp áp dụng theo chuẩn quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Nếu không có sự đầu tư bài bản hơn thì số lượng doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này có thể vươn ra biển lớn, tận dụng tiềm năng của thị trường là không nhiều”, Hiệp hội nhìn nhận.

Theo đó, có thể thấy, yêu cầu đầu tư nhà xưởng, máy móc, công nghệ, nhân sự, môi trường, phòng kiểm nghiệm… để có thể tham gia cuộc chơi TPP là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp trong ngành.

Bên cạnh đó, cũng cần phải kể tới việc các doanh nghiệp ngoại đến từ các quốc gia TPP sẽ tận dụng ưu thế mà hiệp định này mang lại để lấn lướt các doanh nghiệp nội ngay trên chính sân nhà.

PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng, khi gia nhập TPP, tình trạng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, thảo dược, bao bì, máy móc… nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc sẽ phải thay đổi nhằm giảm tối đa sự lệ thuộc.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng, khi mức thuế áp dụng cho sản phẩm này từ 25 - 40% hiện tại về 0% theo TPP khiến các mặt hàng này nhập từ Mỹ, Nhật Bản rẻ đi rất nhiều sẽ là “cú sốc” cho thị trường.

“Các doanh nghiệp sẽ bị mất thị phần và có thể bị cạnh tranh ngay trên sân nhà”, ông Hoàng nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp Dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo: “Sự tham gia mạnh mẽ và tự do hơn của các nhà cung cấp dịch vụ, kể cả dịch vụ y tế có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm, có ưu thế về dịch vụ trên thế giới sẽ làm cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, theo ông Truyền, cạnh tranh cũng là động lực để doanh nghiệp tự đổi mới và nâng cao năng lực để phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, cạnh tranh cũng giúp đào thảo những doanh nghiệp yếu kém và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Phương Dung

 

Doanh nghiệp thực phẩm chức năng lo "bị sốc" khi gia nhập TPP - 2