Hải quan “đau đầu” với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng Trung Quốc

(Dân trí) - Cơ quan hải quan cho biết, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng giả là mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng tại khu vực biên giới với Trung Quốc ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thưc, thủ đoạn tinh vi.

Số liệu thống kê do Tổng cục Hải quan công bố cho hay, có gần 2.000 sản phẩm dược phẩm, trên 16.600 mỹ phẩm đã bị Hải quan Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ từ 15/7 - 15/10/2015.

Mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng giả thường được tuồn về tiêu thụ ở những nơi dân cư có thu nhập thấp (ảnh minh họa: Lao động)
Mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng giả thường được tuồn về tiêu thụ ở những nơi dân cư có thu nhập thấp (ảnh minh họa: Lao động)

Theo phản ánh của Cục Hải quan Quảng Ninh, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng giả là mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng từ khu vực biên giới vào thị trường nội địa tiêu thụ đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi được các đối tượng sử dụng như: Xé lẻ lô hàng, tháo rời vỏ bao bì, nhãn mác vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau; trà trộn cùng các mặt hàng khác...

Sau đó, các đối tượng này lợi dụng địa hình đường biên sát khu dân cư có nhiều đường mòn, lối mở, chia nhỏ hàng lậu rồi vận chuyển vào chợ, trung tâm thương mại để tiêu thụ. Đáng chú ý, hàng giả, hàng kém chất lượng là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thường được đưa về tiêu thụ ở những nơi dân cư có thu nhập thấp.

Trong đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, thực phẩm chức năng, Cục Hải quan Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 14 vụ vận chuyển trái phép 1.870 sản phẩm dược phẩm; 16.611 sản phẩm mỹ phẩm các loại.

Cơ quan hải quan dự báo, trong thời gian tới, tình hình hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nói chung, hàng giả là dược phẩm, thực phẩm chức năng nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng.

Từ thực tế công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, thực phẩm chức năng, Hải quan Quảng Ninh cho rằng, để cơ quan hải quan có thể thực thi tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, Chính phủ cần phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan chức năng chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và nghiêm khắc xử lý những cơ quan không làm tròn trách nhiệm.

Phía hải quan cũng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra cơ sở in ấn bao bì, nhãn mác, cơ sở cung ứng nguyên liệu, hóa chất bảo quản… là nguồn cung cấp chính cho các cơ sở làm hàng giả; phối hợp với cơ quan đo lường chất lượng kiểm tra chất lượng hàng hóa, đặc biệt chú trọng các mặt hàng giá rẻ tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, theo Hải quan Quảng Ninh, các doanh nghiệp cần chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, sản xuất những mặt hàng có thế mạnh.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, các tổ chức, hiệp hội trong việc cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bích Diệp

 

Hải quan “đau đầu” với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng Trung Quốc - 2