1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp than vay vốn ngắn hạn ngân hàng duyệt 3 tháng mới xong

Thảo Thu

(Dân trí) - Đại diện các doanh nghiệp địa bàn TP Hà Nội đang tham gia đối thoại trực tiếp với ngành ngân hàng, chiều 21/9. Doanh nghiệp lên tiếng về những khó khăn gặp phải trong quá trình vay vốn.

Mở đầu hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói 2023 là giai đoạn khó khăn, thách thức của ngành ngân hàng.

Bà Hồng nói, năm 2022, tín dụng tăng 14,78%. Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm, huy động vốn tăng chỉ 5,36% so với cuối năm 2022.

Dù vậy, TP Hà Nội 8 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng vẫn đạt 10,6%, tốc độ gấp đôi mức chung của cả nền kinh tế.

Đề xuất gắn KPI thời gian phê duyệt vốn vay

Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) - nói việc tiếp cận vay vốn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khó, thủ tục rườm rà, thời gian xem xét vay dài. "Với khoản vay vốn ngắn hạn, thời gian xét 1-3 tháng, khoản vay trung dài hạn duyệt 3 tháng, thậm chí có khoản vay 6 tháng", ông Sơn nói.

Ông Sơn đề nghị các ngân hàng áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt, gắn KPI thời gian phê duyệt để đạt thời gian giải ngân là 1 tháng cho các khoản vay.

Doanh nghiệp than vay vốn ngắn hạn ngân hàng duyệt 3 tháng mới xong - 1

Đại diện HAMI cho rằng thời gian giải ngân vốn của ngân hàng quá lâu (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Ông Sơn nói thêm đến câu chuyện doanh nghiệp phải gồng mình trong nền kinh tế khó khăn, dẫn đến bức tranh tài chính không đẹp đủ để đáp ứng tiêu chí ngân hàng đề ra là để được vay vốn.

"Tôi không đề nghị ngân hàng hạ mức chuẩn tín dụng nhưng có thể điều chỉnh linh động trong đánh giá chỉ tiêu tài chính", ông nhấn mạnh.

Chủ tịch HAMI cũng đề cập đến câu chuyện với các nguồn tài trợ dự án trung - dài hạn, việc vay từ định chế tài chính phải chịu lãi trước hạn từ 1-5%.

"Chúng tôi trả nợ trước hạn mà bị phạt trả lãi trước hạn, tức nếu có nguồn thu từ dự án để trả nợ thì sẽ bị phạt. Tôi đề xuất miễn phí trả nợ trước hạn, hoặc nếu có chỉ 1%", ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn nói thêm đến câu chuyện doanh nghiệp khó khăn nhưng không cơ cấu kịp thời. Ông đề xuất phía ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ để bảo đảm cho doanh nghiệp điều kiện hoạt động bình thường.

Doanh nghiệp làm ăn tốt là "khách quý"

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), thì đề cập đến câu chuyện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa đồng bộ. Đơn cử, Nghị định 31 hỗ trợ lãi suất 2%, doanh nghiệp lớn thụ hưởng tốt, doanh nghiệp SME lại chưa được tiếp xúc nhiều.

Doanh nghiệp than vay vốn ngắn hạn ngân hàng duyệt 3 tháng mới xong - 2

Doanh nghiệp mong muốn có sự đồng hành của các ngân hàng trong các cơ chế tín dụng ưu đãi (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

"Có doanh nghiệp được 5-7 ngân hàng mời chào. Doanh nghiệp làm ăn tốt là "khách quý" của ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì vay được", bà Ngân thông tin tại hội nghị.

Bà Đỗ Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty cổ phần Hawee - cho biết đơn vị này sản xuất kinh doanh thiết bị điện, các linh kiện, nguyên liệu đầu vào. Thời gian vừa qua, tỷ giá có biến động tương đối lớn tác động không nhỏ đến doanh nghiệp do chi phí đầu vào tăng.

Bà Hương cho biết, năm 2023, mặt bằng lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng có sự biến động cao ở giai đoạn đầu năm và giảm dần đến cuối năm. Tới hiện tại, mặt bằng lãi suất của doanh nghiệp đánh giá cơ bản đã quay trở lại thời điểm trước dịch Covid-19.

Tuy nhiên, việc hấp thụ vốn của doanh nghiệp phụ thuộc vào tình hình của các đối tác đầu ra, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Các đơn vị này hoạt động kinh doanh, đầu tư có phần suy giảm.

Đại diện Hawee mong muốn có sự đồng hành của các ngân hàng trong các cơ chế tín dụng ưu đãi. "Hiện ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên được các tổ chức tín dụng cấp hạn mức vay vốn, đối với một số gói thầu lớn, gói thầu trọng điểm quốc gia khi trúng thầu, doanh nghiệp mong muốn có được cơ chế tiếp cận vốn đặc thù", bà Hương nói.

Ngân hàng giới hạn room tín dụng, doanh nghiệp gặp khó

Ông Nguyễn Việt Hùng - hiện phụ trách Tài chính kế toán của CTCP Cơ khí Đông Anh - nói quy mô doanh thu hàng năm của trên 1.000 tỷ đồng. Các vấn đề chính giai đoạn qua đơn vị này gặp phải là cầu của thị trường giảm kéo theo doanh thu giảm, tồn kho tăng, đọng vốn, chi phí tài chính tăng cao, tỷ giá biến động lớn.

"Sức khỏe của các doanh nghiệp liên quan suy yếu, rủi ro phát sinh nợ phải thu khó đòi của chúng tôi cũng tăng", ông Hùng thông tin tại hội nghị.

Doanh nghiệp than vay vốn ngắn hạn ngân hàng duyệt 3 tháng mới xong - 3

Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng sớm có biện pháp ổn định tỷ giá (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Hùng nói thêm câu chuyện việc bị giới hạn room tín dụng của các ngân hàng vào thời điểm năm trước cũng gây trở ngại trong việc điều tiết dòng tiền của doanh nghiệp. "Tôi mong phía ngân hàng có biện pháp phù hợp để tình huống này không xảy ra nữa", ông nói.

Ông cùng cho rằng khi mặt bằng lãi suất giảm, ông nhận thấy tỷ giá có xu hướng biến động tăng tương ứng, việc này ảnh hưởng trực tiếp tới phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu. Ông đề nghị phía cơ quan chức năng có biện pháp phù hợp để ổn định tỷ giá.

Đề nghị có gói lãi suất với từng ngành nghề cụ thể

Nguyễn Trọng Hoa - Công ty TNHH Vật tư và Kết cấu thép - nói thị trường tiêu thụ sắt thép Việt Nam 8 tháng đầu năm, đặc biệt là từ quý II năm 2023 giảm sâu.

Ông Hoa chỉ ra nguyên nhân là ảnh hưởng mạnh từ thị trường bất động sản đóng băng bởi các chính sách tín dụng bất động sản siết chặt; thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn…

Ngoài ra, thị trường dân dụng sức mua yếu trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, ảnh hưởng hậu dịch Covid-19, chi phí sinh hoạt phát sinh tăng do giá cả hầu hết các hàng hóa thiết yếu tăng…

Ngoài ra, thị trường xây dựng công trình nói chung đang bị chậm trong triển khai hoạt động hoặc gặp phải hàng loạt các vướng mắc về pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất, cơ cấu nguồn cung bất động sản theo phân khúc sản phẩm… khiến số lượng các công trình xây dựng được triển khai giảm sút, dẫn đến cầu nguyên vật liệu xây lắp nói chung và sắt thép nói chung giảm theo.

Ông đánh giá ngành bất động sản dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép, chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm.

Ông Hoa kiến nghị phía ngân hàng tiếp tục ban hành các gói lãi suất, chính sách ưu đãi đến từng ngành nghề cụ thể, đặc biệt là đối với ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực sắt thép xây dựng để tiếp tục giảm bớt chi phí tài chính cho doanh nghiệp.

Các ngân hàng nói gì?

Trước ý kiến của doanh nghiệp về câu chuyện phí trả nợ trước hạn, ông Đỗ Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành VietinBank - nói các ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp về việc đã trả nợ trước hạn còn phải trả phí.

Tuy nhiên, ông Sơn mong doanh nghiệp thấu hiểu: "Chúng tôi huy động vốn của người dân và phải trả lãi cho người dân - kế hoạch tài chính đã được tính toán. Tuy nhiên, tùy trường hợp cụ thể, chúng tôi vẫn linh hoạt nguồn tiền, miễn giảm lãi để hài hòa lợi ích doanh nghiệp và ngân hàng", ông Sơn nói.

Còn về câu chuyện doanh nghiệp than việc room tín dụng khó khăn năm 2022 gây khó, ông Sơn nói cuối 2022 có biến cố lớn xảy ra với ngành ngân hàng là sự kiện liên quan đến SCB, khiến tâm lý thị trường dao động, diễn biến khó khăn, ngân hàng lớn phải tập trung lo ổn định hệ thống, hỗ trợ thanh khoản.

"Thành ra việc này có xảy ra và ngay sau năm 2023 đã được khắc phục triệt để", ông Sơn nói. VietinBank có dư nợ 243.530 tỷ đồng đối với địa bàn Hà Nội, tăng 6,65%.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank - cam kết từ nay đến cuối năm sẽ đồng hành với doanh nghiệp để giảm lãi suất cho vay.

"Chúng tôi sẽ giảm 1.850 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ các khoản vay hiện hữu", ông Tùng nói. Vietcombank có dư nợ 228.268 tỷ đồng trên địa bàn Hà Nội, giảm 0,92%. Ông Tùng nhắc đến câu chuyện không thể hạ chuẩn tín dụng vì nợ xấu sẽ phát sinh, khiến chi phí vốn ngân hàng của ngân hàng có thể tăng lên.

"Chi phí vốn thấp là do tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp. Nếu không duy trì được chuẩn mực cấp tín dụng, sẽ tăng chi phí vốn và ảnh hưởng đến quyền lợi của những khách hàng tốt trong tương lai", ông Tùng nói.

Với những khách hàng đang quan hệ tín dụng, ông Tùng nói ngoài việc cung cấp nhu cầu tín dụng, ngân hàng tăng cường tư vấn với doanh nghiệp, phân tích các phương án sẽ gây ra rủi ro gì cho khách hàng và doanh nghiệp.

"Việc giữ chuẩn mực sẽ tốt cho 2 bên, thay vì cứ có nhu cầu vay là chúng tôi cấp vốn. Đó không phải phương án bền vững", ông Tùng nói.

Về phí trả nợ trước hạn, ông Tùng cho biết ngân hàng linh hoạt, mong khách hàng thấu hiểu do ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng. Về việc giải ngân vốn cho doanh nghiệp chậm, ông Tùng nói ngân hàng sẽ rà soát để có những thay đổi phù hợp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm