Doanh nghiệp tận dụng mặt bằng rẻ, nhân lực dồi dào vươn lên trong mùa dịch

Đại Việt

(Dân trí) - Doanh nghiệp đã nhận thấy cơ hội trong đại dịch, đó chính là mặt bằng giá rẻ, nhân lực dồi dào và nhu cầu mua sắm của người dân vẫn rất lớn.

Doanh nghiệp tận dụng mặt bằng rẻ, nhân lực dồi dào vươn lên trong mùa dịch - 1

Nhiều doanh nghiệp đang tận dụng giá cả mặt bằng rẻ, nhân lực dồi dào để phát triển kinh doanh trong đại dịch. Ảnh: Đại Việt

Ông Lê Hữu Nghĩa, đại diện một hệ thống siêu thị mỹ phẩm cao cấp cho biết, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực thì các loại thuế quan mỹ phẩm sẽ giảm dần.

Mỹ phẩm xách tay sẽ giảm đi những cơ hội trên thị trường bởi các sản phẩm chính hãng giá hợp lý sẽ đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn.

“Khi chúng tôi quyết định mở 20 siêu thị mỹ phẩm cao cấp ở TPHCM với vốn đầu tư vài chục tỷ đồng mỗi siêu thị thì nhiều người cho rằng đây là quyết định liều lĩnh trong dịch bệnh, bởi người dân đang thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ thị trường và nhận thấy cơ hội rất lớn của mình”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng, chưa bao giờ mặt bằng diện tích 500 - 600m2 tại TPHCM lại dễ tìm như hiện nay và giá cả thuê mặt bằng cũng rất dễ đàm phán.

Ngoài ra, việc tuyển dụng nhân sự cũng vô cùng thuận lợi trong thời điểm hiện tại vì nguồn lao động rất dồi dào. Doanh nghiệp đang tích cực tuyển dụng những lao động có trình độ, kỹ năng tốt nhưng thất nghiệp do Covid-19 về làm việc.

Doanh nghiệp tận dụng mặt bằng rẻ, nhân lực dồi dào vươn lên trong mùa dịch - 2

Nhiều mặt bằng diện tích lớn, vị trí đẹp tại TPHCM đang rất khó tìm người thuê. Ảnh: Đại Việt

Theo ông Nghĩa, các đối tác nước ngoài cung cấp sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, những đơn vị này cũng mong muốn bán được hàng hóa và doanh nghiệp của ông sẽ “bắt tay” để bán hàng cho đối tác. Như vậy, đôi bên đều có lợi và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chính hãng, giá cả phù hợp nhất.

“Đúng là người dân đang thắt chặt chi tiêu nhưng cũng còn rất nhiều người có tiền và họ muốn mua sản phẩm chính hãng. Tuy nhiên, những người này lại không thể đi ra nước ngoài để mua mỹ phẩm, họ cũng không muốn mua hàng trên mạng và họ sẽ đến với những siêu thị mỹ phẩm cao cấp chính hãng. Đây là cơ hội để chúng tôi bán hàng”, ông Nghĩa chia sẻ.

Doanh nghiệp tận dụng mặt bằng rẻ, nhân lực dồi dào vươn lên trong mùa dịch - 3

Người dân có thu nhập tốt vẫn không phải quá thắt chặt chi tiêu vì đại dịch. Ảnh: Đại Việt

Cũng theo ông Nghĩa, dù dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp nhưng doanh nghiệp đang thực hiện kế hoạch 1 - 2 tuần khai trương một siêu thị để tận dụng những lợi thế có được từ mùa dịch. Dự kiến, doanh nghiệp sẽ mở 50 siêu thị tại Việt Nam.

Đại diện một số doanh nghiệp tại TPHCM chia sẻ, các doanh nghiệp cũng đang tận dụng nguồn mặt bằng giá rẻ và nhân công dồi dào để phát triển kinh doanh trong thời điểm hiện tại. Đây là “bước đi” nhiều thách thức nhưng mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới mẻ.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, hiện nay, một bộ phận người dân có thu nhập tốt vẫn mong muốn mua được những sản phẩm cao cấp, chất lượng trong khi không thể đi du lịch hay ra nước ngoài.

Những chuỗi bán lẻ cao cấp hình thành sẽ mang đến cơ hội mua sắm cho người dân có nhu cầu và mang lại cả cơ hội cho chính doanh nghiệp.

“Trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp tại thành phố đang không ngừng nỗ lực để vượt qua khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội và hướng đi của mình để tái cơ cấu lại hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tìm nguồn nguyên liệu thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu và tăng cường kênh bán hàng. Trong cái khó đã buộc doanh nghiệp phải tính toán lại mô hình hoạt động của mình”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.

Theo ông Vũ, ngành Công Thương đã cố gắng tạo một môi trường lành mạnh để doanh nghiệp có điều kiện phát triển và vươn lên. TPHCM đã kịp thời ban hành các quy định về đảm bảo sản xuất an toàn và hoạt động thương mại an toàn cho hệ thống các nhà máy, chợ, siêu thị… Việc này nhằm giúp doanh nghiệp, người dân cùng phòng chống dịch và tổ chức hoạt động bình thường. Đây là điều kiện để doanh nghiệp duy trì hoạt động trong giai đoạn vừa qua.

Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, doanh số thương mại, bán buôn bán lẻ trong 9 tháng đầu năm của thành phố tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và thương mại điện tử là ngành có doanh số vượt trội nhất.

Sở Công Thương thành phố phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều đợt kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về tín dụng để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất. Đối với doanh nghiệp khó khăn sẽ có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để doanh nghiệp khắc phục và vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.