Doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nữ làm chủ là động lực của kinh tế toàn cầu

(Dân trí) - Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMME) và doanh nghiệp (DN) do nữ làm chủ đang trở thành những động lực rất quan trọng của nền kinh tế toàn cầu.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tại buổi Họp báo về Hoạt động của doanh nghiệp trong năm APEC Việt Nam 2017 và kết quả kỳ họp ABAC 1 diễn ra mới đây.


Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại buổi họp báo.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại buổi họp báo.

Doanh nghiệp do nữ làm chủ thường bền vững hơn

Cụ thể, ông Lộc dẫn chứng ở Việt Nam hiện nay, 25% doanh nghiệp do nữ làm chủ. Ông cũng cho biết chúng ta đang hướng tới kế hoạch ít nhất là 1/3 doanh nghiệp do nữ giới làm chủ và rất nhiều dự báo trên thế giới nói rằng trong tương lai, con số này của Việt Nam có thể lên đến 50%.

"Xu hướng nữ doanh nhân làm chủ đang được ủng hộ và trong những năm qua, trong nước cũng như trên thế giới, nền kinh tế có những thay đổi khó lường và trong điều kiện đó, chúng ta đều thấy khu vực kinh doanh do phụ nữ làm chủ có khả năng bền vững hơn nên việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào kinh doanh là một điều quan trọng", ông Lộc nhấn mạnh.

Đồng tình với ông Lộc, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) cho biết: “Tôi rất hy vọng lần này tại diễn đàn doanh nhân nữ APEC, chúng ta có thể thành lập được mạng lưới doanh nhân nữ APEC. Có nhiều ý tưởng sáng tạo của APEC Việt Nam đã được thực hiện như mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN đang hoạt động rất tốt chính là một điển hình.”

Bên cạnh đó, ông Lộc cho biết, Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư trong cộng đồng APEC và Việt Nam là một trong những cộng đồng APEC được thế giới quan tâm nhất.

“Kết quả của chúng tôi trong vận động DN các nước tham gia cho thấy đang có sự ủng hộ rất mạnh mẽ APEC 2017 ở Việt Nam và có thể đây sẽ là năm được cộng đồng doanh nghiệp APEC quan tâm nhất trong những năm gần đây”, ông Lộc nói.

Doanh nghiệp siêu nhỏ lên ngôi

Doanh nghiệp lớn có vai trò của nó nhưng trong tất cả các nền kinh tế trên thế giới, kể cả ở Mỹ, Đức, Nhật Bản và các nền kinh tế APEC thì SMME mới là xương sống của nền kinh tế, ông Lộc nhận định.

Cụ thể, những hộ kinh doanh gia đình ở Việt Nam sẽ được chuyển thành SMME theo 2 hướng: một là vươn về nông nghiệp nông thôn, liên kết với các hộ nông dân; hai là vươn ra để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Lộc phân tích rằng, vì nền kinh tế đang đứng trước những biến động khó lường, không chỉ có trào lưu thúc đẩy hội nhập mà còn có sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ cực đoan nên có khả năng nền kinh tế thế giới sẽ được tái cấu trúc, các chuỗi giá trị thậm chí sẽ được xóa đi lập lại hoặc thu hẹp lại.

Ông Lộc nhận định, chuỗi giá trị được sắp xếp lại vừa là thách thức vừa là cơ hội. Bởi các chuỗi giá trị thường là cuộc chơi của các DN lớn, các SMME rất ít có cơ hội tham gia. Đây là một trong những lý do mà chủ nghĩa bảo hộ nổi lên trong thời gian qua là do các chuỗi giá trị toàn cầu không đảm bảo sự phát triển bao trùm, nó gây tổn hại cho các SMME, cho người lao động và cho khu vực nông nghiệp nông thôn.

Chính vì vậy, trào lưu chống bảo vệ mậu dịch nhằm phản ứng lại điều này. Các chuỗi giá trị toàn cầu phải cơ cấu lại theo hướng vừa mở cửa để tiếp nhận các SMME, vừa tham gia vào chuỗi giá trị để đảm bảo sự phát triển của mình.

Do đó, DN Việt chỉ có thể tham gia nếu đáp ứng được 2 nhu cầu: Cải cách thể chế, Chính sách kinh tế, Chính sách phát triển DN của nước ta, tạo môi trường thuận lợi, yểm trợ cho sự phát triển của các SMME nội địa; thứ 2 là bản thân các SMME cũng phải nâng cao năng lực của mình.

"Đây là thách thức cũng như cơ hội cho cả cơ quan chính quyền và DN trong việc đưa nền kinh tế nước ta tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với xu hướng cả thế giới đang quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là xu thế cải cách thể chế được phát động từ năm ngoái, chúng ta hoàn toàn có thể bứt phá, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu này", ông Lộc nhận định.

Đồng tình với quan điểm của ông Lộc, ông Dũng bổ sung rằng phải để các SMME tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn để phát triển khoa học công nghệ, nếu không sẽ không áp dụng được khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tiếp cận thị trường, đối tác nước ngoài, để phát triển SMME và DN khởi nghiệp ở Việt Nam, tăng cường sự tham gia của DN nữ làm chủ.

Hồng Vân