1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Doanh nghiệp phát triển bền vững vì cộng đồng

(Dân trí) - Khi phát triển kinh tế song hành cùng giá trị môi trường - xã hội, “phát triển bền vững” đã trở thành yêu cầu tiên quyết trong hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Tại Công ty CP Tài nguyên Masan (Masan Resources), hỗ trợ phát triển cộng đồng và thực hiện trách nhiệm xã hội là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Công ty. Mục tiêu này được hiện thực hóa bằng ngân sách cụ thể hàng năm và các dự án hỗ trợ cộng đồng thiết thực.

Mục tiêu chính của các hoạt động phát triển cộng đồng của Masan Resources là đảm bảo cho người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi dự án sẽ có đời sống sinh kế tốt hơn so với trước đây. Ngoài ra, dự án khai thác chế biến khoáng sản phải mang đến những lợi ích cho người dân địa phương.

Trung bình mỗi năm, Công ty đầu tư khoảng 3-5 tỷ đồng cho các dự án như xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội cho cộng đồng; dịch vụ khuyến nông và sinh kế bền vững cho người dân; sức khỏe cộng đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường; tín dụng vi mô, nâng cao năng lực và các chương trình tài trợ, từ thiện... trên địa bàn các xã ảnh hưởng bởi Dự án nói riêng và tỉnh, huyện nói chung. Tính riêng năm 2018, tổng số tiền hỗ trợ cho các chương trình này là trên 5,5 tỷ đồng.

Ngoài việc tạo chỗ ở ổn định cho người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án, Công ty đã xây dựng hàng loạt mô hình phát triển cộng đồng, tạo sinh kế ổn định cho người dân mất đất như mô hình canh tác chè bền vững theo tiêu chuẩn VietGap,  hỗ trợ xây dựng các doanh nghiệp cung ứng địa phương để cung cấp bao bì, giá đỡ hàng, đồng phục bảo hộ, dịch vụ vận tải cho Công ty.

Doanh nghiệp phát triển bền vững vì cộng đồng - 1
Đồng hành cùng người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Tại Masan Resources, trọng tâm nguồn nhân lực của Công ty chính là các lao động tại địa phương: 79% lao động là người tỉnh Thái Nguyên, 14% lao động đến từ các tỉnh khác và 7% là lao động nước ngoài. Trong quá trình xây dựng mỏ và thực hiện việc vận hành nhà máy chế biến, Masan Resources và các nhà thầu của dự án đã sử dụng, tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 3.000 lao động địa phương, trong đó có khoảng 1.000 người từ các gia đình bị ảnh hưởng do thu hồi đất cho dự án. GDP cả năm 2018 của Thái Nguyên tăng 7,08%, vượt mục tiêu đặt ra ban đầu là 6,7%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây. Masan Resources được đánh giá là một trong hai doanh nghiệp “đầu đàn” tại Thái Nguyên, giúp tỉnh này phát triển đột phá trong những năm qua. Từ 2015 – 2018, Masan Resources đóng góp 3.200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước và đóng góp mỗi năm 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội của tỉnh. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bằng các chính sách riêng thông qua các chương trình phục hồi kinh tế và trợ cấp cho các nhóm đặc biệt khó khăn ngoài chính sách của Nhà nước với khoản kinh phí lên đến gần 150 tỷ đồng qua nhiều kế hoạch khác nhau dành cho hơn 6.000 người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp.

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua Xây dựng Nông thôn mới, trong những năm qua, Công ty đã có những đóng góp đáng kể để góp phần giúp các xã vùng Dự án được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới như xã Hà Thượng (đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2014); thị trấn Hùng Sơn (năm 2016); xã Phục Linh (năm 2017) và xã Tân Linh (đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2018). Một số đóng góp tiêu biểu của Công ty trong xây dựng Nông thôn mới, bao gồm: hỗ trợ xây dựng, cải tạo trên 8.200m đường giao thông nông thôn; 12.950m đường điện thắp sáng; trên 500m kênh mương; xây mới 5 công trình và nâng cấp; cải tạo 5 công trình nhà văn hóa xóm; cung cấp hàng nghìn bộ bàn ghế và hàng chục bộ trang thiết bị âm thanh (loa đài, âm ly) cho 23 nhà văn hóa xã, xóm. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ các xã thành lập được 13 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với 336 hộ tham gia; trên 87,5 ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Thực hiện mô hình Quỹ vốn vay tín dụng vi mô, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đại Từ với tổng vốn ủy thác trên 9 tỷ đồng, 276 hộ được vay vốn ưu đãi để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Doanh nghiệp phát triển bền vững vì cộng đồng - 2
Giải ngân Quỹ vốn vay Phục hồi kinh tế ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đại Từ.

Không trao con cá mà trao cần câu, hướng dẫn người nông dân sinh kế ngay trên ruộng vườn của họ, nhằm nâng cao thu nhập từ sản phẩm chè là cây kinh tế trọng điểm của các xã trong khu vực dự án, Công ty đã hỗ trợ thành lập được 13 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với 385 hộ tham gia; trên 87.5 ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Phạm Quốc Ước - Tổ trưởng Tổ hợp tác chè an toàn xóm Khưu 3 xã Phục Linh chia sẻ: Năm 2018 dưới sự hỗ trợ của Công ty Núi Pháo đã thành lập được Tổ hợp tác chè an toàn với sự tham gia của 28 hội viên, trong quá trình thành lập tổ đã được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thời gian cách ly, hướng dẫn ghi chép nhật ký nông hộ, đi thăm quan học tập các mô hình, được hỗ trợ ống tưới chè tiết kiệm. Trong quá trình thực hiện năng suất chất lượng chè đều tăng trên 20%, thậm chí có những hộ tăng 30% năng suất so với làm chè truyền thống. 

Tinh thần chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng lan tỏa đến từng cán bộ công nhân viên trong Công ty. Trải qua hơn 10 năm, văn hóa chia sẻ, hướng tới cộng đồng và người yếu thế đã trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi cá nhân. Công ty đã chung tay giúp đỡ xây được trên 20 ngôi Nhà tình nghĩa; trao hàng trăm suất học bổng bằng tiền và hiện vật cho các em học sinh nghèo; khám và tư vấn sức khỏe cho trên 800 đối tượng người có công, hộ gia đình chính sách. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức như tài trợ Tết Trung thu, đóng góp cho Quỹ Trẻ em ở cấp tỉnh và huyện, cung cấp trang thiết bị, xe đạp, xây, sửa nhà, cấp học bổng, hỗ trợ mô hình sinh kế cho trẻ mồ côi. Cháu Nguyễn Bảo Hân (sinh tháng 1/2019) là con của anh Nguyễn Văn Công - công nhân vận hành thuộc bộ phận sản xuất của Công ty. Cháu Hân bị mắc bệnh Glocom bẩm sinh (một dạng tật về mắt có thể dẫn đến mù vĩnh viễn nếu không được chữa trị kịp thời). Công đoàn Công ty đã phát động tập thể cán bộ, người lao động đóng góp ủng hộ 78 triệu đồng giúp gia đình anh Công có thêm chi phí đưa cháu đi khám chữa bệnh. Cùng với sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức, cháu Hân đã được đưa sang bệnh viện mắt tại Singapore phẫu thuật kịp thời. Ông Ngô Ngọc Hải (xóm Giữa, Thị trấn Hùng Sơn, Đại Từ) là ông bố đơn thân nuôi 3 con ăn học, không có thu nhập ổn định do sức khỏe yếu chia sẻ: “Trước kia cả gia đình phải sống trong ngôi nhà tạm, dột nát chỉ rộng 15m2. Nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể và các nhà hảo tâm mà gia đình chúng tôi đã được ở trong ngôi nhà mới kiên cố, khang trang, đây là niềm hạnh phúc của gia đình tôi”. Ngôi nhà mới của gia đình ông Hải do Công ty Núi Pháo chung tay cùng Hội chữ Thập đỏ huyện Đại Từ hỗ trợ xây dựng, trong đó Công ty Núi Pháo hỗ trợ xi măng, mái tôn với tổng giá trị khoảng 20 triệu đồng.

Doanh nghiệp phát triển bền vững vì cộng đồng - 3
Ngôi nhà mới của 3 bố con ông Ngô Ngọc Hải do Công ty Núi Pháo phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Từ hỗ trợ xây dựng.

Những hoạt động thường niên của Công ty đối với cộng đồng dân cư trong vùng Dự án, đặc biệt là những đối tượng yếu thế như hộ nghèo, người già, phụ nữ khuyết tật, đơn thân... không chỉ nhằm thực hiện cam kết và trách nhiệm xã hội mà đây chính là tấm lòng, là tình cảm của doanh nghiệp để tri ân những đóng góp của người dân, của địa phương vào quá trình phát triển bền vững của Công ty. Ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc Masan Resources cho biết: “Chúng tôi giữ quan điểm phải sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên, cẩn trọng hoạch định các hoạt động để đem đến lợi ích hiện tại cũng như lợi ích lâu dài cho con người, môi trường và sự thịnh vượng chung. Đây chính là cách chúng tôi đảm bảo phát triển bền vững.”