Doanh nghiệp phải "kẹp phong bì giải quyết hồ sơ": Thủ tướng, Bộ trưởng đều biết!

(Dân trí) - Người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn: "Tình trạng kẹp phong bì giải quyết hồ sơ không phải là không có. Tôi nói thẳng ở đây để cán bộ các cục, chi cục thuế, hải quan thấy rằng Thủ tướng, Bộ trưởng đều biết. Còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, tham nhũng vặt, chi phí không chính thức".

 

Doanh nghiệp phải kẹp phong bì giải quyết hồ sơ: Thủ tướng, Bộ trưởng đều biết! - Ảnh 1.

Thủ tướng cho biết, chi phí không chính thức đang giết chết doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp Việt không thể lớn.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành tài chính vừa tổ chức chiều nay (9/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi thu ngân sách đạt hơn 1,42 triệu tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán cả năm. Đây là lần đầu tiên, thu ngân sách Trung ương vượt 4,3% dự toán trong khi thu địa phương vượt dự toán tới 12,5% dự toán.

"Từ chỗ vay ngân hàng để chi thì vài năm gần đây thặng dư ngân sách.  Tuy nhiên, ngành tài chính vẫn còn những tồn tại như chính sách không ổn định, hay sửa đổi, gây khó cho doanh nghiệp, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp có lúc có nơi chưa thực chất, kịp thời", Thủ tướng nói.

Thủ tướng dẫn ví dụ: "Quy định một con bò giao cho các trang trại, chăn nuôi hợp tác xã không chịu thuế nhưng bán cho tiêu dùng thì lại chịu thuế 5%. Hay trường hợp người dân thuê mặt nước trong đê thì chịu thuế nhưng ngoài đê thì lại được miễn thuế. Đây là vấn đề đã được các cử tri nêu lên. Đề nghị Bộ Tài chính cần nhất quán quan điểm, chính sách tài chính, hướng tới làm giàu nông dân, nông thôn, đất nước mới thực sự phồn vinh, giàu mạnh".

Thủ tướng cũng nhắc tới việc chuyển đổi lên doanh nghiệp của các hộ cá thể. "Tới hỏi nhiều hộ cá thể việc vì sao không lên doanh nghiệp. Câu trả lời nhận được là vì sổ sách kế toán phức tạp, phải đóng bảo hiểm. Các đơn vị phải hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với chế độ kế toán đơn giản. Không để loại hình với tiềm năng to lớn không muốn lớn nhanh như thời gian qua.

Đáng lưu ý, Thủ tướng nói tới là đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, thái độ phục vụ của một phận công chức còn hạn chế là những tồn tại của ngành tài chính. Theo đó, việc tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thuế, hải quan còn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, ông đồng ý với báo cáo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về sự tiến bộ trong vấn đề trên.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn: "Tôi nói có các đồng chí có tiến bộ về giảm chi phí ngành thuế, nhưng theo VCCI, tỷ lệ phải chi trả phí bôi trơn khi làm thủ tục hải quan dù giảm từ 56,4% xuống 53% vẫn là tỷ lệ rất cao. Tình trạng kẹp phong bì giải quyết hồ sơ không phải là không có. Tôi nói thẳng ở đây để cán bộ các cục, chi cục thuế, hải quan thấy rằng Thủ tướng, Bộ trưởng đều biết. Còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, tham nhũng vặt, chi phí không chính thức".

"Tỷ lệ phải trả chi phí bôi trơn khi làm thủ tục vẫn còn cao. Các đồng chí tính toán, một container thông quan mất phí bôi trơn 1 triệu đồng thì một năm mất cả chục nghìn tỷ đồng", Thủ tướng nêu và khẳng định: "Chi phí không chính thức giết doanh nghiệp. Tại sao doanh nghiệp mãi không lớn, một phần do đây".

Một vấn đề cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị là lỗ hổng đất đai lớn, tạo ra lợi ích nhóm, sân sau.

“BT gây thất thoát lớn, đây là câu chuyện cũ. Chúng ta phải có chấn chỉnh để thu lại nguồn lợi từ đất đai. Đất, nước phải được sử dụng có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của Tổ quốc. Vừa rồi, tôi ký Nghị định mới nhất nhằm xử lý tình trạng trên. Vẫn tiếp tục hình thức đầu tư BT nhưng không công nhận sự thất thoát. Phải điều chỉnh, đấu giá lại để không thất thoát”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu một chính sách tài chính toàn diện liên quan tới Luật Đất đai (sửa đổi), trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét với yêu cầu toàn diện nhất, minh bạch nhất. Trong đó, phải cắt đứt lợi ích nhóm, bảo vệ uy tín chính quyền các cấp, mang lại niềm tin cho nhân dân.

Phương Dung

Doanh nghiệp phải kẹp phong bì giải quyết hồ sơ: Thủ tướng, Bộ trưởng đều biết! - Ảnh 2.