1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyện “lót tay, lại quả dưới gầm bàn” và nỗi đau nền kinh tế

(Dân trí) - Tham nhũng và chi phí phi chính thức đang ăn mòn hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Những tác hại của tham nhũng có thể “cân, đo, đong, đếm” được bằng con số, song nguy hiểm hơn là có thể tư duy tiến thân của người trẻ bị biến dạng.

TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh
Chi tiền “lót tay”, “lại quả dưới gầm bàn” 

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Dẫn nhận định của Giáo sư kinh tế học Trần Hữu Dũng, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh đã chỉ rõ một loạt những tác hại tiêu cực mà tham nhũng gây ra cho nền kinh tế.

Cụ thể, tham nhũng sẽ làm méo mó nguyên tắc cạnh tranh của kinh tế thị trường, cạnh tranh không còn phản ánh chính xác hiệu quả của các doanh nghiệp vì doanh nghiệp đút lót nhiều hơn sẽ được nhiều ưu đãi hơn và có thể thành đạt hơn doanh nghiệp có hiệu quả nhưng đút lót ít hơn. Doanh nghiệp lương thiện, không đút lót sẽ bị thiệt thòi nhiều mặt, chán nản vì không thể cạnh tranh.

Tham nhũng dẫn đến việc các vấn đề về an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường... không được kiểm soát vì có thể đút lót thanh tra để tiếp tục vi phạm. Đặc biệt, tham nhũng trong đấu thầu, xây dựng cơ bản làm đối chi phí lên cao, chất lượng công trình thấp, không an toàn, dễ hư hỏng.

Tham nhũng cũng làm giảm lòng tin của người dân và doanh nghiệp đối với chính sách thu, chi ngân sách. “Người ta tự hỏi tiền thuế tôi nộp sẽ về đâu? Tiền chi ngân sách ai hưởng lợi?” Và từ đó họ ít sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ đóng thuế của mình hơn.

Trong phần tham luận trình bày tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015 tổ chức trong hai ngày 21-22/4, TS Lê Đăng Doanh cũng “phác họa” về 3 kênh mà tham nhũng tác động đến chính sách tiền tệ, tín dụng. 

Cụ thể, ở kênh thứ nhất người đi vay phải chi tiền “lót tay” “lại quả dưới gầm bàn” để được tiếp cận tín dụng với lãi suất thấp hơn, chất lượng dự án được vay không được coi trọng. Lượng tín dụng được cấp tăng lên quá mức, dẫn đến lạm phát. Ví dụ điển hình là kho cà phê của Công ty Trường Ngân được thế chấp tại 7 ngân hàng, vay được 7 lần, khi mở kho cà phê thì phát hiện rất nhiều cỏ khô, lá khô.

Kênh thứ hai là nếu doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi tiếp cận tín dụng, được cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi theo quyết định hành chính thì cơ hội tham nhũng lại đặc biệt lớn. Kinh nghiệm của Vinashin cho thấy nguy cơ này là có thật và dẫn đến tăng trưởng tín dụng kém chất lượng, dẫn đến lạm phát.

Và tại kênh thứ ba, tham nhũng dẫn đến nhu cầu chuyển tiền lậu ra nước ngoài, dẫn đến nhu cầu ngoại tệ tăng cao một cách giả tạo, gây sức ép lên cân đối ngoại tệ và làm suy yếu nội tệ. 

Điều nguy hiểm đó là tham nhũng ảnh hưởng đến phân bổ tài năng con người. Một số tài năng sẽ bị hút vào những “ngành tham nhũng” vì có thu nhập cao hơn ngành khác trong khi doanh nhân mất nhiều thời gian và tiền bạc để đáp ứng các yêu cầu của tham nhũng. Nghiêm trọng hơn, một số chức vụ quan trọng được trao cho những người kém năng lực và đạo đức (vì họ đút lót), họ sẽ có những quyết định sai lầm về kinh tế để kiếm lợi ích tham nhũng. Người có tài năng sẽ nản trí và bị gạt ra bên lề. Người trẻ nhìn thấy tấm gương của nhưng người tiến thân nhờ tham nhũng, sẽ không học hành nghiêm túc , chỉ tìm cách “quan hệ, móc nối”, đút lót để tiến thân, giáo dục sẽ bị biến dạng nghiêm trọng.

TS Lê Đăng Doanh
Liên tiếp những bê bối tham nhũng tại các dự án ODA đang làm xấu hình ảnh về môi trường đầu tư của Việt Nam (ảnh minh họa)

Những câu chuyện xấu hổ

TS Lê Đăng Doanh nhắc lại kết quả xếp hạng về thể chế trong Báo cáo GCI 2014-2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Theo đó, báo cáo này cho thấy yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm môi trường kinh doanh của Việt Nam xấu đi, trong đó đáng chú ý là xếp hạng về đút lót trong xuất-nhập khẩu xếp 121, thấp hơn nhiều so với xếp hạng thể chế chung. Xếp hạng về đút lót trong quyết định tư pháp 117 cũng rất thấp. Đáng chú ý là xếp hạng về công khai trong xây dựng chính sách của Chính phủ chỉ xếp thứ 116. 

“Không nghi ngờ gì nữa, yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm giảm năng lực cạnh tranh và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam” – TS Lê Đăng Doanh nhận xét.

Ông cũng dẫn chứng thêm, mới đây, Nhật Bản thông qua tổ chức JICA, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới đã phát hiện những dấu hiệu tham nhũng, đút lót ở Việt Nam liên quan đến quá trình nhận thầu và đấu thầu xây dựng kết cấu hạ tầng ở Việt Nam.

Ngày 1/4/2015, Trưởng đại diện của JICA tại Việt Nam đã tuyên bố: “tha thiết mong vụ JTC là vụ cuối cùng xảy ra với các dự án ODA của Nhật Bản. Nếu có vụ thứ ba tôi nghĩ là nhân dân Nhật Bản sẽ lên tiếng buộc Chính phủ Nhật Bản dừng ODA cho Việt Nam. Nếu có vụ thứ ba sẽ không có lối thoát”. 

TS Lê Đăng Doanh chua xót nhận xét, “tuyên bố trên thực sự là một điều nhục nhã, đáng báo động, cho thấy phía Nhật Bản đã mất kiên nhẫn đối với tình trạng tham nhũng kéo dài, lặp đi lặp lại ở Việt Nam”.

Trong khi đó, một báo cáo của VCCI đưa ra phân tích: “nếu các khoản chi phí không chính thức ít hơn và do đó nếu các doanh nghiệp giảm số tiền chi trả cho các khoản không chính thức, thì nguồn lực này sẽ có thể được chuyển hướng vào đầu tư và tạo việc làm”. 

Cụ thể, nếu giảm 1% đơn vị tần suất tham nhũng (tần suất tham nhũng được đo lường bằng tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp thừa nhận có chi trả các khoản không chính thức), đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,7%, việc làm tư nhân sẽ tăng tăng 1%, và thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5%. 

Nếu giảm 1% đơn vị gánh nặng tham nhũng (tỷ lệ chi phí không chính thức trên thu nhập của doanh nghiệp), đầu tư tư nhân sẽ tăng 6,4%, số việc làm tư nhân sẽ tăng 1,8%, và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 2,3%. 

Đồng thời, nếu tăng 1% đơn vị tính dự báo của tham nhũng (đo lường bằng tỷ lệ % doanh nghiệp cho biết rằng họ nhận được dịch vụ mong muốn khi trả chi phí không chính thức), đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,6%, việc làm tư nhân sẽ tăng 1% và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 1,9%.

TS Lê Đăng Doanh bày tỏ lo ngại, nếu không hạn chế và kiểm soát được tham nhũng ở mức độ nhất định, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ khó có thể được cải thiện một cách cơ bản.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm