Doanh nghiệp phải "chắp tay xin" cổ phần hóa, cơ quan chủ quản nói gì?

(Dân trí) - Liên quan đến thông tin, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại công đoàn Nghệ An phải dùng đến câu "chắp tay cầu xin” để đề nghị được cổ phần hoá, lãnh đạo Ban Tài chính thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này ủng hộ phương án cổ phần hoá nhưng cần xác định đúng giá trị doanh nghiệp, không làm thất thoát tài sản nhà nước.


Một doanh nghiệp phải cầu xin để được cơ quan chủ quản cho cổ phần hoá

Một doanh nghiệp phải "cầu xin" để được cơ quan chủ quản cho cổ phần hoá

Dừng cổ phần hoá vì lo thất thoát tài sản

Như Dân trí đã đưa tin, mới đây, ông Võ Hồng Viện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại công đoàn Nghệ An (Cửa Lò, Nghệ An) đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã dùng quyền lực không cho phép doanh nghiệp được cổ phần hoá; dù trước đó công ty đã gửi phương án cổ phần hoá và Liên đoàn lao động Nghệ An cũng đã xin chủ trương từ Tổng liên đoàn.

Tại đơn kêu cứu, lãnh đạo công ty cũng cho biết, hai năm vừa qua, liên tục ông đã ra Hà Nội mỗi tháng hai lần để “ cầu xin” được cổ phần hoá.

Trao đổi với Dân trí ngày 23/8, ông Phan Văn Anh, Trưởng Ban Tài chính, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, lý do chính Tổng liên đoàn yêu cầu dừng cổ phần hoá vì lo ngại thất thoát tài sản khi định giá.

“Quá trình Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại công đoàn Nghệ An đề nghị cổ phần hoá, Tổng liên đoàn ủng hộ chủ trương nhưng hoạt động kinh doanh của công ty thua lỗ nên Tổng liên đoàn tạm thời thành lập đoàn kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và xác định lại việc đầu tư, xây dựng của công ty”, ông Văn Anh thông tin.

Cho rằng giá trị của doanh nghiệp được định giá quá thấp, tuy nhiên khi được hỏi con số Tổng liên đoàn tính toán có thể là bao nhiêu, ông Văn Anh từ chối chia sẻ thông tin và cho biết, vì chưa danh chính ngôn thuận.

“Việc xác định giá trị của doanh nghiệp chưa chuẩn nên Tổng liên đoàn phải làm trực tiếp, có thể cổ phần hoá hoặc Tổng liên đoàn thu về để đầu tư phát triển công ty, đây là thẩm quyền của Đoàn chủ tịch”, ông Văn Anh nhấn mạnh.

Theo ông Anh, hiện Tổng liên đoàn đang thuê cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán và sau khi có kết luận sẽ có quyết định chính thức sắp xếp lại doanh nghiệp theo hướng nào.

Cần dứt điểm, không thể “treo” doanh nghiệp


Mặc dù giá trị tài sản doanh nghiệp được Công ty định giá của Bộ Tài chính định giá nhưng Tổng liên đoàn Lao động VN vẫn không chịu

Mặc dù giá trị tài sản doanh nghiệp được Công ty định giá của Bộ Tài chính định giá nhưng Tổng liên đoàn Lao động VN vẫn không chịu

Trao đổi về những thông tin được Trưởng ban Tài chính, Tổng liên đoàn Lao động đưa ra, ông Võ Hồng Viện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại công đoàn Nghệ An cho biết, việc định giá được hiện bởi CTCP Tư vấn dịch vụ tài sản bất động sản DTAC (Bộ Tài chính). Do đó Tổng liên đoàn không thể vin vào lý do này để dừng việc cổ phần hoá của doanh nghiệp.

Ông Viện cũng thông tin thêm rằng, tháng 5/2014 Liên đoàn lao động Nghệ An xin chủ trương Tổng liên đoàn kêu gọi đầu tư liên doanh để có công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động; ngày 25/6/2014 Tổng liên đoàn đã có công văn gửi Liên đoàn lao động Nghệ An đồng ý cho công ty cổ phần hoá.

Ngày 28/4/2015 Liên đoàn lao động Nghệ An đã gửi công văn cho Tổng liên đoàn và Ban Tài chính xin phê duyệt giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngày 25/12/2015 Tổng liên đoàn gửi công văn cho Liên đoàn lao động Nghệ An chỉ đạo công ty tạm dừng cổ phần hoá để kiểm tra, khảo sát thực tế và không nói rõ thời gian bao lâu.

“Chúng tôi đã thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Tổng liên đoàn nhưng họ cứ kéo dài thời gian “treo” doanh nghiệp ở đó; khiến công ty rơi vào cảnh thấp thỏm, chờ đợi, ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, nhân viên. Trong khi chúng tôi cần chủ trương rõ ràng, dứt điểm, nợ ngân hàng đến hạn, sức ép cho doanh nghiệp rất lớn nên buộc chúng tôi phải gửi đơn cầu cứu lên Thủ tướng”, ông Viện nói.

Nêu quan điểm về 2 phương án được ông Phan Văn Anh đưa ra là đang xem xét sẽ cổ phần hoá hoặc Tổng liên đoàn thu về đầu tư phát triển công ty, ông Viện cho biết, nếu giữ lại sẽ lấy tiền đâu để đầu tư, liệu Tổng liên đoàn có bỏ tiền ngân sách ra đầu tư hay bảo lãnh cho vay? “Chỉ có thể bán đi hoặc cổ phần hoá”, ông Viện nói.

Hà Nguyễn -Anh Thư