Doanh nghiệp nước mắm truyền thống làm “cật lực” nhưng vẫn…“lép vế”

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp nước mắm truyền thống chỉ biết "hì hục" làm nhưng lại không biết tiếp thị, phân phối nên dễ dàng bị những con “cá mập” ngành nước mắm chiếm lĩnh thị trường.

Doanh nghiệp nước mắm truyền thống làm “cật lực” nhưng vẫn…“lép vế” - 1
Nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống chỉ biết “hì hục” làm và quên đi khâu tiếp thị, phân phối sản phẩm vốn cũng vô cùng quan trọng.

Hội thảo Nâng cao giá trị – Phát triển thị trường cho nước mắm truyền thống tại TPHCM đã nêu ra những thực trạng còn tồn tại của ngành này trong nhiều năm qua.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết, cuộc chống chọi “đòn hiểm” của các ông lớn ngành nước nắm công nghiệp đã cho những nhà sản xuất nước mắm truyền thống nhiều bài học đắt giá. Trong đó, bài học quan trọng nhất là phải cải thiện khả năng tiếp thị, phân phối.

“Các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống suốt ngày chỉ hì hục làm nước mắm và không hề để ý đến tiếp thị, phân phối. Đây là điểm yếu nhất của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. Các doanh nghiệp “cá mập” đã tận dụng điểm yếu đó để tạo lợi thế cho mình. Họ phát triển các kênh tiếp thị, phân phối hiện đại để thâu tóm thị trường một cách nhanh chóng”, bà Hạnh nói.

Cũng theo bà Hạnh, trong thời gian tới, Hội Doanh nghiệp HVNCLC sẽ đưa ra một chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các hội nước mắm địa phương để giúp các đơn vị bán hàng mạnh hơn và chinh phục người tiêu dùng.

Cụ thể, chương trình này sẽ truyền thông mạnh mẽ về nước mắm truyền thống. Giúp người tiêu dùng hiểu rõ các quy trình sản xuất nước mắm truyền thống, hiểu rõ giá trị của giọt nước mắm từ ngàn đời nay.

“Các doanh nghiệp và các hội nước mắm truyền thống địa phương sẽ được tập huấn về marketing, tiếp cận người tiêu dùng, làm quen với cách phân phối hàng hóa hiện đại”, bà Hạnh chia sẻ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ để xây dựng các tiêu chuẩn như VietGAP, LOCAL GAP,  HACCP…nhằm “bước” vào các thị trường khó tính, yêu cầu tiêu chuẩn cao. Trong tương lai, các ứng dụng (App) bán hàng cũng sẽ được ra đời. Người dân có thể mua nước mắm truyền thống thông qua chiếc điện thoại thông minh có cài ứng dụng.

Doanh nghiệp nước mắm truyền thống làm “cật lực” nhưng vẫn…“lép vế” - 2
Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống cần phải đẩy mạnh tiếp thị và phân phối sản phẩm theo kiểu hiện đại. Ảnh: Đại Việt

Theo Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 250 triệu lít nước mắm. Trong đó, nước mắm truyền thống chỉ chiếm khoảng 60 triệu lít. Còn nước chấm công nghiệp (nước mắm tự nhiên pha loãng và thêm hương vị) chiếm trên dưới 190 triệu lít, tương đương 70% thị phần nội địa.

Kết quả thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, nước mắm công nghiệp đang chiếm khoảng 70% thị phần nội địa. Trong đó, thị phần nước mắm của Masan lên tới “đỉnh”, đạt khoảng gần 70% doanh thu toàn thị trường. Những doanh nghiệp khác như Hưng Thịnh, Hồng Hạnh, Mười Thu, 584 Nha Trang, Thanh Hà... chỉ chiếm thị phần ở mức trên dưới 5%.

Ông Didier Corlou (người Pháp), cựu bếp trưởng của khách sạn Sofitel Metropole cho biết, ông đã từng nấu ăn cho nhiều người nổi tiếng và các nguyên thủ quốc gia. Các đầu bếp quốc tế vô cùng tiết kiệm và chắt chiu từng giọt nước mắm nguyên chất. Mỗi món ăn, người đầu bếp chỉ cho một vài giọt nước mắm để dậy mùi thức ăn.

Doanh nghiệp nước mắm truyền thống làm “cật lực” nhưng vẫn…“lép vế” - 3

Ông Didier Corlou (người Pháp), cựu bếp trưởng của khách sạn Sofitel Metropole là một người rất am hiểu về nước mắm Việt Nam. Ảnh: Đại Việt

“Khi tôi kể với bạn bè tôi là ở Việt Nam họ ăn nước mắm hằng ngày, thậm chí là bữa ăn nào người Việt cũng có nước mắm thì bạn bè tôi rất ngạc nhiên. Bởi với họ, nước mắm làm từ cá cơm là cái gì đó rất tinh túy và tuyệt hảo”, ông Didier Corlou nói.

Theo ông Didier Corlou, muốn người dân sử dụng nước mắm truyền thống nhiều hơn thì điều đầu tiên là phải giới thiệu được văn hóa nước mắm, sự kỳ công trong sản xuất nước mắm. Khi đó, người tiêu dùng sẽ hiểu và cảm nhận được những tinh hoa mà người sản xuất nước mắm gửi gắm.

“Trên mỗi chai nước mắm, các bạn có thể kể về câu chuyện làm ra những giọt nước mắm thơm ngon. Người mua sẽ cảm nhận được điều đó. Và biết đâu trong tương lai, khi nấu thịt bò Úc với rượu của Pháp tại các nhà hàng nổi tiếng thế giới thì đầu bếp phải cho thêm nước mắm Việt Nam mới tạo ra hương vị tuyệt hảo của món ăn”, ông Didier Corlou chia sẻ.

Đại Việt