Doanh nghiệp nội nhập siêu gấp 4 lần trong quý I

(Dân trí) - Cán cân thương mại vẫn theo xu hướng thặng dư ở khối các doanh nghiệp FDI và thâm hụt ở khối các doanh nghiệp trong nước. Trong mức nhập siêu 2,4 tỷ USD quý I/2015 thì khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 873 triệu USD còn khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu tới 3,27 tỷ USD.

Việt Nam nhập siêu gần 8 tỷ USD từ Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm
Việt Nam nhập siêu gần 8 tỷ USD từ Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Theo số liệu thống kê chính thức vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 3/2015 đạt 28,08 tỷ USD, tăng 40,5% so với tháng trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 13,34 tỷ USD, tăng 40,3% và kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 14,74 tỷ USD, tăng 40,6%, cán cân thương mại hàng hoá đã thâm hụt 1,4 tỷ USD.
 
Qua đó, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước quý I/2015 đạt hơn 75 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 36,3 tỷ USD, tăng 8,8% và kim ngạch nhập khẩu là 38,7 tỷ USD, tăng mạnh 20,1%. Như vậy, mức nhập siêu trong quý I là 2,4 tỷ USD.
 
Đối với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng trị giá xuất nhập khẩu của khu vực này đạt 48,19 tỷ USD, tăng 22,6% (tương ứng tăng 8,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 64% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 24,53 tỷ USD, tăng 18,7% và nhập khẩu là 23,66 tỷ USD, tăng 27,1%.
 
Kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước trong 3 tháng/2015 đạt 15,05 tỷ USD, tăng 1,44 tỷ USD so với 3 tháng/2014. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu là 11,77 tỷ USD, giảm 932 triệu USD.
 
Cán cân thương mại vẫn theo xu hướng thặng dư ở khối các doanh nghiệp FDI và thâm hụt ở khối các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể: trong 3 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại của khối doanh nghiệp FDI có mức thặng dư là 873 triệu USD, giảm tới 57,3%; trong khi đó, cán cân thương mại của khối các doanh nghiệp trong nước thâm hụt tới 3,27 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam nhập siêu gần 8 tỷ USD từ Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm
Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hóa theo tháng từ tháng 1/2014 đến tháng 3/2015
 
Số liệu Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong quý đầu của năm 2015, tổng trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 50,19 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 66,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với châu Mỹ là 12,09 tỷ USD, tăng 21,1% so với quý I/2014; với châu Âu đạt 10,26 tỷ USD, tăng 10,8%; với châu Đại Dương là 1,38 tỷ USD, tăng 0,7% và châu Phi là 1,09 tỷ USD tăng 19,7%.
 
Châu Á vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong quý I/2015 với 18,07 tỷ USD; tiếp theo là Châu Mỹ với 8,94 tỷ USD; Châu Âu là 7,75 tỷ USD; Châu Đại Dương là 0,79 tỷ USD và Châu Phi là 0,75 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu hàng hóa từ các nước Châu Á đạt mức 32,12 tỷ USD chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước; với Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Đại Dương và Châu Phi lần lượt là 3,14 tỷ USD; 2,51 tỷ USD; 0,59 tỷ USD và 0,34 tỷ USD.
 
Thị trường Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác lớn nhất của Việt Nam về xuất khẩu. Trong quý I/2015 xuất khẩu sang thị trường này đạt 7,15 tỷ USD tăng 17% so với cùng kỳ năm 2014; với EU là 6,89 tỷ USD tăng 14,2%; ASEAN là 4,53 tỷ USD giảm 3,3%; Trung Quốc là 3,54 tỷ USD giảm 3,7%,…
 
Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp hàng hóa vào Việt Nam trong quý I/2015 với trị giá là 11,47 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2014. Nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc cũng đạt mức khá cao với 5,56 tỷ USD, tăng 18% (tương đương tăng hơn 1 tỷ USD), tiếp theo là ASEAN với 5,92 tỷ USD tăng 11,7%...
 
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”