1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thâm hụt thương mại: "Bài toán không dễ giải với Việt Nam"

(Dân trí) – Đây chính là những nội dung nổi bật trong bản báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam 2012 của Business Monitor International. Bên cạnh đó tỷ giá VND cũng được dự báo sẽ ổn định nhưng thâm hụt thương mại vẫn tiếp tục là vấn đề không dễ khắc phục.

Với tiêu đề “Ổn định vĩ mô tiếp tục cải thiện” bản báo cáo dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012 của Business Monitor International (BMI) đã đưa ra những nhận định đáng chú ý về tình hình kinh tế, chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Thâm hụt thương mại: "Bài toán không dễ giải với Việt Nam" - 1
Lĩnh vực sản xuất được dự báo sẽ gặp khó khăn do kinh tế toàn cầu u ám

Theo đó cơ quan này dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước ta năm nay sẽ chỉ đạt 5,8%, thấp hơn mục tiêu từ 6% - 6,5% của Chính phủ và cũng giảm so với mức 5,9% năm 2011. Nguyên nhân được đưa ra đó là nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, EU và Trung Quốc sẽ chưa phục hồi trước cuối năm 2012.

Do đó “tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất sẽ giảm mạnh, có nguy cơ làm tăng tỉ lệ thất nghiệp. Trong khi đó giá nông sản sụt giảm cũng có ảnh hưởng bất lợi tới thu nhập của khu vực nông thôn. Các yếu tố này sẽ khiến tiêu dùng cá nhân tăng chậm lại trong năm 2012”, bản báo cáo viết. Trong khi đó theo tính toán của BMI, lĩnh vực sản xuất chiếm tới 19,4% GDP và đóng góp tới 2,1 điểm % vào tốc độ tăng 5,9% của GDP năm 2011.

Dù vậy cơ quan này cho rằng điều này sẽ có lợi cho triển vọng lâu dài của kinh tế Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách sẽ không triển khai những chương trình đầu tư công lớn để đạt cho được mục tiêu tăng trưởng. “Chúng tôi nhận thấy những tín hiệu tích cực về sự chuyển hướng của Chính phủ Việt Nam, từ chỗ luôn chú trọng vào tốc độ tăng trưởng sang một mô hình tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn”, báo cáo viết.

Về lạm phát, BMI tin rằng sau những biện pháp điều hành nhất quán trong năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm hạn chế tăng cung tiền M2, qua đó kiềm chế lạm phát, CPI năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 8,5%. “Các dự báo của chúng tôi cho thấy nhiều khả năng kịch bản lạc quan của NHNN với CPI tăng 8,5% sẽ thành hiện thực trong các quý tới”, BMI nhận định.

Thâm hụt thương mại: "Bài toán không dễ giải với Việt Nam" - 2
Lạm phát giảm sẽ giúp đời sống người dân bớt khó khăn

Một cơ sở khác được tổ chức này đưa ra cho dự báo CPI ở mức một con số đó là giá hàng hóa đã giảm đáng kể trong những tháng vừa qua do triển vọng kinh tế toàn cầu u ám. Điều này đồng nghĩa với áp lực lạm phát do chi phí đẩy sẽ không còn đáng ngại trong trung hạn. Trong khi đó một khi tốc độ tăng GDP dưới mục tiêu 6,0 % - 6,5%, áp lực lạm phát do cầu kéo cũng yếu hơn đáng kể so với năm vừa qua.

Từ những nhận định trên BMI cho rằng NHNN sẽ điều chỉnh mạnh lãi suất tái cấp vốn vào cuối năm với mức giảm 4 điểm %, xuống còn 11% vào cuối năm 2012. Tỉ giá VND/USD được dự báo sẽ duy trì ở mức bình quân 21.035 đồng/USD, tăng 1,85% so với năm 2011. Trong các năm tiếp theo từ 2013 – 2016, VND được dự báo sẽ tăng giá so với USD.

Bên cạnh những nhận định tích cực, báo cáo cũng chỉ ra thách thức đối với nền kinh tế, trong đó tình trạng thâm hụt thương mại tiếp tục là vấn đề không dễ giải quyết. “Tình trạng thâm hụt thương mại vẫn là mối lo ngại chính cho các nhà hoạch định chính sách do Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hoạt động chuyển tiền để bù đắp cho thâm hụt thương mại”, BMI khẳng định.

Tổ chức này dự báo trong năm nay vốn FDI vào Việt Nam từ Trung Quốc và Hồng Kông sẽ giảm mạnh nếu như kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”. Trong khi đó 2 khu vực này chiếm tới 31,8% tổng số vốn FDI vào Việt Nam năm 2011, tương đương khoảng 3,5 tỉ USD. Do đó tổ chức này tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng về tình hình cán cân thanh toán của Việt Nam 2012.

Thanh Tùng
Theo BMI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm