Doanh nghiệp nhỏ "tố" Triển lãm Nông nghiệp lạm thu phí và tiền điện: Đâu là sự thật?

(Dân trí) - Một doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp tại Yên Thế, Bắc Giang vừa có đơn kiến nghị về những bất cập thu phí và tiền điện của Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp Việt Nam lên Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, phía Trung tâm phủ nhận các nội dung tố cáo này.

Tố cả thu phí và giá điện

Công ty Cổ phần Giang Sơn do bà Nguyễn Thị Tâm làm Giám đốc tại Yên Thế, Bắc Giang mới đây đã làm đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, các Bộ ngành về những bất cập trong việc thu phí tại Triển lãm Nông nghiệp Việt Nam, địa chỉ 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.

Triển lãm nông nghiệp Việt Nam tại Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.
Triển lãm nông nghiệp Việt Nam tại Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo doanh nghiệp này, trong các năm 2012 - 2016 phí gian hàng rất cao khoảng 100.000 đồng/m2. Phí dịch vụ và tiền điện cũng được niêm yết ở mức 4.600 đồng/kWh điện.

Đến năm 2017, các loại phí và dịch vụ bỗng dưng được tăng lên cao. Phí gian hàng 9m2, gian hàng hai mặt của công ty này phải trả là 2,2 triệu đồng/1 gian (khoảng trên 240.000 đồng/m2); Gian 1 mặt cũng 9m2 có chi phí 1,8 triệu đồng (200.000 đồng/m2)

Từ tháng 12/2017, tiền điện của công ty này được bên cho thuê tính 5.000 đồng/kWh; các mức phát sinh khi xúc tiến thương mại tổ chức Hội chợ (trong vòng từ 5 - 6 ngày) được thu từ 5.000 đến 6.500 đồng/kWh/ngày/1 gian.

Theo đơn kiến nghị của bà Tâm, từ năm 2018, công ty này có thêm 1 kho chưa hàng 37 m2, tính giá thuê trên 65.000 đồng/m2, mức phí trông giữ kho là 2,5 triệu đồng/tháng và 2 quầy hàng là 4 triệu đồng/tháng để trưng bày các sản phẩm thường xuyên.

Ngoài các chi phí thuê, theo kiến nghị thì năm 2018, công ty này phải nộp 39 triệu đồng nữa. Tuy nhiên, do mức phí và tiền điện quá cao, nên công ty Giang Sơn chưa hoàn thành nộp tiền nhưng đã bị bên cho thuê đơn phương cắt điện, khiến sản phẩm hư hỏng thiệt hại 100 triệu đồng.

Ngoài ý kiến về mức chi phí, giá điện, công ty trên còn kiến nghị các Bộ liên quan và Chính phủ thay đổi cách thức làm việc của Trung tâm nói trên. Đồng thời tố Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp cho một số đơn vị không có chức năng thuê địa điểm (như Yoga) là sử dụng địa điểm cho thuê không đúng mục đích.

Bên cạnh đó, theo công ty này, sắp tới hết ngày 31/8/2018 tới các hộ kinh doanh trưng bày sản phẩm tại Trung tâm Triển lãm nông nghiệp sẽ bị thanh lý hợp đồng và công ty của bà Nguyễn Thị Tâm lại phải thuê lại với giá cao hơn của đơn vị khác.

Cũng trong đơn thư, Công ty Giang Sơn cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chủ trương hỗ trợ cho các đơn vị có sản phẩm trưng bày của ngành nông nghiệp theo đúng ý nghĩa của cơ quan xúc tiến thương mại cho ngành nông nghiệp.

Lãnh đạo Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp nói gì?

Trao đổi với Dân trí, ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, những thông tin phản ánh của Công ty CP Giang Sơn không đúng sự thật.

Theo ông Dự, Công ty CP Giang Sơn là 1 đơn vị được Trung tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và sản phẩm từ năm 2012 thông qua các hoạt động Hội chợ triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ với DN tại Hà Nội, nhờ vậy Công ty đã có rất nhiều đơn hàng tiêu thụ tại Hà Nội.

Ông Dự cho hay, trong những năm đầu, Công ty Giang Sơn phối hợp với Trung tâm rất tốt, tuy nhiên 2 năm trở lại đây Công ty luôn né tránh thực hiện tài chính với Trung tâm, không tuân thủ về vệ sinh an toàn thực phẩm tại gian trưng bày. Công nợ của Công ty Giang Sơn từ năm 2017 đến nay là 41.037.800đ (trong đó phí Trưng bày tháng 5+6+7/2018 là 7.665.000đ) còn lại 33.372.800đ tiền điện 2017-2018). Trong khi đó hợp đồng ký kết giữa hai bên là phải thanh toán trong vòng 15 ngày đầu của tháng.

"Trung tâm đã thường xuyên đôn đốc công nợ bằng văn bản, gặp trực tiếp nhưng DN chây ỳ, không hợp tác. Đến khi Trung tâm dùng biện pháp mạnh thông báo đóng cửa kho hàng (thông báo ngày 16/7/2018) đến ngày 20/7/2018 Công ty mới nộp 10.000.000đ và ngày 13/8/2018 Trung tâm thông báo tạm ngừng cấp điện trước khi cắt điện 02 ngày. Đến nay Công ty vẫn nợ 28,4 triệu đồng", ông Dự cho biết.

Cũng theo ông Dự, việc Công ty Cổ phần Giang Sơn có đơn gửi các cơ quan quản lý Tố Trung tâm lạm thu phí và tiền điện là không có căn cứ, xúc phạm uy tín của Trung tâm, vong ơn giúp đỡ của Trung tâm. Theo những thông tin ông Dự cung cấp: Phí gian hàng tiêu chuẩn 9m2 trong nhà 2,2 triệu/gian 2 mặt và 1,8 triệu gian 1 mặt thoáng/tháng/DN. Gian hàng đã bao gồm tiền vệ sinh, tiền điện 1 bóng đèn neol và điện chiếu sáng chung, thu gom rác thải, bảo vệ 24/24, tuyên truyền quảng cáo về khu trưng bày. Đây là giá hỗ trợ DN trưng bày giới thiệu sản phẩm chắc không có ở đâu rẻ như ở Trung tâm này.

Đại diện Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết, tiền điện Trung tâm đang phải sử dụng theo giá điện kinh doanh, chủ yếu sử dụng vào giờ cao điểm, toàn Trung tâm chỉ có 1 công tơ tổng vì vậy các DN đều có công tơ riêng. Giá điện giờ cao điểm theo hóa đơn của Công ty Điện lực là 4.656đ/kw. Chỉ trong tháng 7/2018 tiền điện Trung tâm phải trả là 129.126.360đ. Trung tâm thu các DN năm 2018 là 5000đ/kw là hợp lý vì đã tính các khoản khấu hao trang thiết bị điện, sửa chữa, thay thế, nhân công vận hành.

"Ngoài 2 phí trên, Trung tâm không thu bất kể khoản kinh phí nào (số tiền 39 triệu như báo nêu là tiền phí trông giữa hàng hóa, phí trưng bày sản phẩm của Công ty năm 2018 được thể hiện chi tiết theo hợp đồng", ông Dự nói.

Ngoài ra, theo đại diện Trung tâm này, phòng tập Yoga là phòng làm việc của Trung tâm chưa sử dụng đến có diện tích 40 m2 Trung tâm tự tổ chức, mời thày dạy về để dạy yoga cho CBCNV Trung tâm rèn luyện sức khỏe.Còn toà nhà Triển lãm chỉ có Trung tâm là đơn vị quản lý duy nhất vì vậy không có chuyện Công ty Giang Sơn phải thuê lại diện tích trưng bày với đơn vị khác với giá cao hơn.

An Linh

Doanh nghiệp nhỏ "tố" Triển lãm Nông nghiệp lạm thu phí và tiền điện: Đâu là sự thật? - 2