Doanh nghiệp Nhật chê khả năng ngoại ngữ của lao động Việt

(Dân trí) - Các doanh nghiệp Nhật cho biết, để tuyển dụng công nhân tại Việt Nam là không khó, song với cấp quản lý thì việc tuyển dụng được người nói trôi chảy tiếng Nhật hoặc tiếng Anh ở các tỉnh ngoại thành Hà Nội lại là vấn đề vô cùng nan giải.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, khi đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông Atsusuke Kawada – Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ: “Về phía cá nhân, tôi nghe nói rằng nhân viên quản lý người Nhật gặp nhiều rào cản về mặt ngôn ngữ và giao tiếp với nhân viên người Việt. Tôi hi vọng rằng, các nhân viên Việt Nam cần tiếp tục cải thiện kỹ năng ngôn ngữ tiếng Anh”.

Ông Atsusuke Kawada cho biết, qua khảo sát của JETRO đối với gần 500 doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam diễn ra hồi năm ngoái, kết quả cho thấy, chỉ có 5,9% doanh nghiệp coi “ít rào cản về mặt ngôn ngữ và giao tiếp” là điểm mạnh của môi trường đầu tư Việt Nam. Đây cũng là câu trả lời chiếm tỉ lệ thấp nhất mà JETRO nhận được trong quá trình khảo sát.

Ông Atsusuke cũng nói thêm: “Tôi được nghe rất nhiều từ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói rằng, tầng lớp công nhân vẫn có thể đảm bảo dễ dàng nhưng đối với cấp quản lý thì việc tuyển dụng nhân viên nói trôi chảy tiếng Nhật hoặc tiếng Anh ở các tỉnh ngoại thành Hà Nội cực kỳ khó khăn”. 

Theo đó, các công ty sản xuất lớn của Nhật Bản đã đầu tư vào Hải Phòng cũng không thể tuyển mới nhân viên người Việt có thể nói tiếng Nhật tại Hải Phòng. Không chỉ có Hải Phòng mà tại các tỉnh địa phương  trong phạm vi di chuyển đi làm khoảng 1 tiếng tính từ Hà Nội, doanh nghiệp cũng đang trong tình trạng rất khó khăn trong việc đảm bảo nhân sự biết tiếng Nhật.

Bù lại, điểm mạnh trong môi trường đầu tư của Việt Nam được chỉ ra nhiều nhất là “tình hình chính trị, xã hội ổn định” với 57,5 % doanh nghiệp phản hồi. Điểm mạnh thứ 2 là “giá nhân công rẻ”. Tại thời điểm hiện tại, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam là 2.000 USD; tuy nhiên với dân số 90 triệu dân và sự gia tăng đáng kể  tầng lớp trung lưu nên có 46,8% các doanh nghiệp Nhật coi “quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng” là điểm mạnh.

Liên quan tới khoản tiền phải gánh chịu thực tế hàng năm, trong ngành sản xuất, khoản phải trả công cho công nhân khoảng 3.000 USD, kỹ sư là 5.800 USD, con số này bằng chưa tới 50% của Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan. Ngoài ra, lương của cấp quản lý là 13.499 USD, bằng khoảng một nửa Thái Lan và khoảng 60% Trung Quốc. Ngay cả tiền lương của nhân viên và cấp quản lý của ngành phi sản xuất cũng dừng lại ở mức khoảng một nửa của Trung Quốc.

Điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam coi là vấn đề nhất đó là “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch” chiếm tới 60,3% đánh giá. Con số này đặt Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong số các nước tệ nhất về vấn đề này. 

Tỷ lệ này theo phản hồi của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Myanmar là 79,6%, ở Campuchia là 75%, do đó, so với Myanmar và Campuchia thì phía Việt Nam đang trong tình trạng “Không phải là hệ thống luật pháp chưa được thiết lập và hoạt động không minh bạch” nhưng “hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện và đang vận hành thiếu minh bạch hơn cả Indonesia và Bangladesh… Và do đó, ông Atsusuke hy vọng những vấn đề này cần được cải thiện hơn nữa.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”