Doanh nghiệp nhập phế liệu phải ký quỹ 20% giá trị lô hàng
(Dân trí) - Chính phủ mới ban hành Nghị định số 38, theo đó, các tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải ký quỹ tối đa 20% giá trị lô hàng nhập để bảo đảm phế liệu nhập khẩu đúng quy định.
Trước đó, tại dự thảo lấy ý kiến trước khi thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi tháng 9/2014, các cơ quan chức năng kiến nghị doanh nghiệp (DN) phải ký quỹ từ 50 - 80% trị giá lô hàng tùy theo từng mặt hàng để đảm bảo các phế liệu nhập về Việt Nam đúng tiêu chuẩn, không ảnh hưởng môi trường và có % thuế, phí bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, đề xuất này được xem quá nặng vì quá khả năng tài chính đối với nhiều DN thép, nhựa trong nước khi phần lớn trong số họ vẫn phụ thuộc nguồn nguyên liệu sản xuất từ thép, nhựa phế liệu nhập ngoại.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Bên cạnh yêu cầu ký quỹ tối thiểu 10% và tối đa 20% giá trị lô hàng, Nghị định 38/2015/NĐ-CP cũng đưa ra một số quy định bắt buộc các DN nhập khẩu phế liệu phải chấp hành như: DN phải có kho bãi, công nghệ tái chế hiện đại không ảnh hưởng môi trường...
Lý do của quy định này là nhằm bảo đảm phế liệu nhập khẩu về Việt Nam là những mặt hàng được phép nhập khẩu; đồng thời đảm bảo nếu có phát sinh những rủi ro như: hàng có nguy cơ ô nhiễm môi trường, hàng gian hàng giả, hàng lậu mà không ai nhận sẽ được tiếp nhận và xử lý bằng quỹ DN đã ký gửi..
Đối với mặt hàng sắt, thép phế liệu nhập khẩu về Việt Nam, các DN phải thực hiện ký quỹ bảo đảm với số tiền quy định. Nhập 500 tấn, phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; từ 500 – 1.000 tấn phải ký quỹ 15% tổng giá trị và trên 1.000 tấn là 20% giá trị.
Với các mặt hàng nhựa và giấy phế liệu nhập khẩu dưới 100 tấn đã phải ký quỹ 15% giá trị lô hàng. Từ 100 – 500 tấn là 18% giá trị lô hàng và từ 500 tấn trở lên là 20% tổng giá trị lô hàng.
Các loại hàng hóa khác không thuộc nhóm hàng phế liệu sắt, nhựa và giấy đều phải thực hiện ký quỹ tối thiểu là 10% tổng giá trị đơn hàng.
Các DN thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam, các ngân hàng thương mại nơi mình mở tài khoản giao dịch. Số tiền nộp là Việt Nam đồng và hưởng lãi suất không kỳ hạn từ ngày ký. Thời gian thực hiện hoàn tất ký quỹ là trước thông quan 15 ngày.
Nghị định cũng nêu rõ, ngoài việc phải ký quỹ, tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn phải đáp ứng các điều kiện về kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu; công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định; có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý; có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Nghị định 38/2015/NĐ-CP chính thức có hiệu lực vào ngày 15/6/2015.
Nguyễn Tuyền