Doanh nghiệp Nhà nước tái cơ cấu bất thành thì "gõ đầu" lãnh đạo

(Dân trí) - Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, kết quả tổ chức tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ gắn với trách nhiệm người đứng đầu: Nếu không thực hiện đúng hoặc thực hiện không có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công tác cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa.

Cụ thể, lũy kế từ năm 2011 đến ngày 30/11/2015, cả nước cổ phần hóa được 422/538 doanh nghiệp (đạt 78% kế hoạch giai đoạn 2011-2015). Từ 2014 đến ngày 30/11/2015, cổ phần hóa đạt 316/432 doanh nghiệp (đạt 73% kế hoạch giai đoạn 2014 - 2015). Riêng 2 năm 2014-2015, cổ phần hóa được 353 doanh nghiệp, còn 79 doanh nghiệp được chuyển sang cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020.

Hiện vẫn còn hơn 15.000 tỷ đồng vốn nhà nước đọng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm.
Hiện vẫn còn hơn 15.000 tỷ đồng vốn nhà nước đọng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm.

Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong năm 2015, lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 11/2015, các đơn vị đã thoái được 4.975,1 tỷ đồng, thu về 4.636 tỷ đồng. Số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp là 15.678,4 tỷ đồng (do một số đơn vị điều chỉnh lại đề án tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên số phải thoái giảm 1.731 tỷ đồng).

Theo kế hoạch được Chính phủ đề ra, giai đoạn 2016 - 2020, cả nước sẽ cổ phần hóa khoảng 250 - 280 doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết, để tạo thuận lợi cho tiến trình cổ phần hóa, trong thời gian tới, cùng với việc xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai đề án tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về công tác này.

Theo đó, các nghị định về cổ phần hóa như Nghị định 59 (năm 2011) và Nghị định 189 (năm 2013), Nghị định 116 (năm 2015) sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu và soạn thảo thành một nghị định chung, thống nhất.

Về nhóm giải pháp đối với các ngành, địa phương, sẽ "xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện đúng hoặc thực hiện không có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp". Đẩy mạnh rà soát bán phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Bộ Tài chính thực hiện quản lý, giám sát nguồn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp để tập trung nguồn thu từ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn để đầu tư các công trình trọng điểm của Nhà nước.

Tại các DNNN, vốn Nhà nước phải được sử dụng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng sẽ được tăng cường, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả tổ chức tái cơ cấu DNNN. Hình thành cơ quan quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính để tăng cường công tác giám sát các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Bích Diệp

Doanh nghiệp Nhà nước tái cơ cấu bất thành thì "gõ đầu" lãnh đạo - 2