1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp mỹ phẩm “cậy nhờ” vào chợ điện tử

(Dân trí) - Mặt bằng kinh doanh tại các trung tâm thương mại hạn chế và hàng xách tay không rõ nguồn gốc “hoành hành” đã khiến nhiều doanh nghiệp mỹ phẩm đang trông chờ vào các sàn thương mại điện tử để giải quyết khó khăn.

Doanh nghiệp mỹ phẩm “cậy nhờ” vào chợ điện tử - 1

Tìm mặt bằng trong các trung tâm thương mại đang là thách thức đối với các doanh nghiệp mỹ phẩm. Ảnh: Đại Việt

Tại sự kiện Exciting Amorepacific, đại diện một số thương hiệu mỹ phẩm cho rằng việc tìm kiếm mặt bằng để kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam là khá gian nan.

Ông Robin Na, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của một tập đoàn mỹ phẩm cho biết, Việt Nam là đất nước có tính đặc thù và khác biệt hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Tại Việt Nam, số lượng trung tâm thương mại quy mô lớn vẫn còn hạn chế để đặt cửa hàng. Các trung tâm thương mại quy mô vừa và nhỏ nhanh chóng được người thuê lấp đầy một cách nhanh chóng và có giá thuê “cao vút”.

Điển hình như giá thuê mặt bằng ở các trung tâm thương mại sầm uất tại TPHCM đang đạt mức hơn 3 triệu đồng/m2/tháng.

“Việc tìm mặt bằng để kinh doanh tại các trung tâm thương mại khá khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam có đối tượng người tiêu dùng trẻ và năng động, họ chủ động hơn trong việc tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp. Cùng với đó là sự tăng trưởng “bùng nổ” của ngành thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến đang giúp mỹ phẩm chính hãng đến tay người tiêu dùng thuận tiện hơn”, ông Robin Na nói.

Doanh nghiệp mỹ phẩm “cậy nhờ” vào chợ điện tử - 2

Sàn thương mại điện tử đang là kênh phân phối hiệu quả của nhiều doanh nghiệp.

Theo ông Robin Na, các hãng mỹ phẩm cũng đang tìm phương án giúp người người tiêu dùng tiếp cận tốt hơn với sản phẩm chính hãng, bởi hiện nay, mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc đang được bán tràn lan. Sở dĩ mỹ phẩm xách tay vẫn còn “đất sống” là vì giá cả cạnh tranh.

“Vấn đề mỹ phẩm xách tay không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Thế nhưng, việc đưa sản phẩm chính hãng lên các kênh bán hàng trực tuyến và các sàn thương mại điện tử sẽ góp phần đẩy lùi những sản phẩm xách tay không rõ nguồn gốc”, ông Robin Na chia sẻ.

Các nghiên cứu thị trường cho thấy, trong 3 năm gần đây, số lượng phụ nữ Việt Nam có trang điểm tăng từ 76% lên 86%. Đồng thời số người trang điểm thường xuyên (ít nhất 4 lần/tuần) cũng tăng từ 35% lên 39%.

Hiện tại, một phụ nữ Việt Nam chi trung bình 300.000 đồng/tháng cho các sản phẩm trang điểm, cao gấp đôi so với 2 năm trước.

Số phụ nữ chi hơn 500.000 đồng/tháng cho mỹ phẩm trang điểm chiếm 15%. Sự gia tăng mức chi tiêu trung bình này chủ yếu đến từ những phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 20 - 29. Shopee, Lazada và Facebook là ba trang mua sắm mỹ phẩm online có nhiều người dùng nhất.

Doanh nghiệp mỹ phẩm “cậy nhờ” vào chợ điện tử - 3

Phụ nữ Việt Nam đang chi nhiều tiền hơn để làm đẹp cũng đang khiến thị trường mỹ phẩm thêm sôi động. Ảnh: Đại Việt

Theo các chuyên gia ngành mỹ phẩm, việc sử dụng các kênh phân phối mới, hiện đại sẽ là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp.

Hiện nay, Đông Nam Á đang là “mỏ vàng” của ngành mỹ phẩm tại khu vực Châu Á. Đây là thị trường “khổng lồ” với nhiều xu hướng thị trường và nhiều nhóm khách hàng với nhu cầu khác nhau. Do đó, các “ông lớn” trong ngành mỹ phẩm thế giới đang đầu tư rất mạnh mẽ ở nhiều quốc gia như: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Đại Việt