Doanh nghiệp Mỹ lạc quan về việc "làm ăn" ở Trung Quốc dưới thời ông Biden
(Dân trí) - Trong số 124 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ được khảo sát, hơn một nửa cho biết “lạc quan hơn” và 8,1% “lạc quan hơn nhiều” về việc kinh doanh ở Trung Quốc sau chiến thắng của ông Biden.
Dẫn kết quả khảo sát tuần trước, Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết, triển vọng đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đang được cải thiện, về cả mặt chính trị lẫn doanh thu.
Theo đó, trong số 124 lãnh đạo công ty Mỹ được khảo sát từ ngày 11- 15/11, chỉ có 2 người nói rằng họ bi quan hơn về việc kinh doanh ở Trung Quốc sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Theo khảo sát, hơn một nửa, hay 54,8%, cho biết họ “lạc quan hơn” và 8,1% “lạc quan hơn nhiều” với sự thay đổi so với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Ker Gibbs, Chủ tịch của Phòng Thương mại Mỹ, trả lời CNBC qua điện thoại rằng: “Phần lớn những người được hỏi của chúng tôi coi đó là điều tích cực. Chính quyền của ông Biden sẽ đem lại nhiều điều tích cực hơn cho sự ổn định của môi trường, sự ổn định của mối quan hệ".
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Cả hai quốc gia đều áp dụng thuế quan đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ USD của nhau. Nhà Trắng sau đó đã đưa gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei và các công ty khác vào danh sách đen khiến họ không thể mua linh kiện từ các nhà cung cấp chính của Mỹ.
Dưới sự điều hành của ông Biden, chỉ 5,6% số người tham gia khảo sát của dự đoán mức thuế cao hơn. Thay vào đó, 70,2% dự đoán chính quyền mới của nước Mỹ sẽ “làm việc” nhiều hơn với các nước khác để gây áp lực lên quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Nghiên cứu của Phòng Thương mại Mỹ được thực hiện với PwC và bao gồm 50 công ty với doanh thu toàn cầu hơn 1 tỷ USD.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch virus corona - trong khi nước Mỹ vẫn đang vật lộn để kiểm soát sự bùng phát - cũng đang giúp các doanh nghiệp này.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2020. Gần một nửa - 47,6% - số người được hỏi dự báo doanh thu năm 2020 của họ sẽ vượt năm ngoái. Con số này tăng so với mức dưới một phần ba, tương đương 32,5%, so với thời điểm họ hồi tháng Bảy.
Cuộc khảo sát cho thấy, phần lớn các công ty có hoạt động sản xuất ở Trung Quốc dự định duy trì hoạt động sản xuất trong nước trong ba năm tới, chỉ có ba công ty có kế hoạch chuyển ít nhất 30% sản xuất ra nước ngoài.
Dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Căn bệnh này đã lây lan trên toàn cầu, buộc hơn một nửa quốc gia phải đóng cửa tạm thời. Đại dịch đã tấn công các nền kinh tế lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Sự lạc quan gia tăng không phải là điều hoàn toàn rõ ràng đối với tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc. Một phần ba số người được hỏi lo ngại về các lệnh cấm xuất cảnh, giam giữ và các hạn chế khác đối với nhân viên của họ.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 13,7% số người được hỏi có ý định tăng cường đầu tư vào Trung Quốc, trong đó phần lớn không quyết định hoặc chưa quyết định về kế hoạch phát triển của họ.
“Xung đột thương mại sẽ không biến mất,” Gibbs nói. “Vẫn còn những vấn đề về cấu trúc cần được giải quyết.”
Trong vài năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã ban hành các chính sách mới để cải thiện môi trường kinh doanh nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng việc triển khai không đồng đều và buộc phải chuyển giao công nghệ, thiếu bảo hộ sở hữu trí tuệ và hạn chế tiếp cận thị trường vẫn là những hạn chế chính.