1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp "mất ăn, mất ngủ" vì Hải Phòng "siết" phí cảng biển

(Dân trí) - Từ hơn 1 tháng qua, với Nghị quyết về việc thu phí cửa khẩu cảng biển và yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải nộp giấy tờ thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ cảng biển khi trong hồ sơ thông quan, chính quyền TP Hải Phòng đang khiến doanh nghiệp hoạt động tại đây “mất ăn, mất ngủ”.

Chiều 13/2, Ngân hàng Châu Á và Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) và đại diện các hiệp hội ngành nghề đã tổ chức phiên thảo luận lần thứ 2 về tính pháp lý của Nghị quyết thu phí cửa khẩu cảng biển do HĐND thành phố Hải Phòng ban hành ngày 13/12/2016 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Theo ghi nhận, Nghị quyết của Hải Phòng áp dụng đang gây bất lợi cho cộng đồng DN. Cùng với việc tăng phí, Nghị quyết này yêu cầu DN phải nộp giấy tờ thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ cảng biển khi trong hồ sơ thông quan, mặc dù đây không phải chứng từ trong hồ sơ hải quan.

Theo VPSF, từ khi áp dụng quy định mới, thủ tục thông quan, nộp phí tại cảng Hải Phòng được làm rất thủ công, trung bình mất 2-3 giờ, khoảng gần 20% DN sau khi thực hiện xong thủ tục đều rơi vào cuối giờ chiều, phải thuê kho để lưu hàng đến sáng hôm sau làm tiếp.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Phó tổng Thư ký VPSF - cho hay: “Hải Phòng đã làm tăng thủ tục hải quan lên ít nhất 0,5 ngày, đi ngược với nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, cụ thể là thủ tục hải quan trong suốt mấy năm qua”.

Hải Phòng tự dưng ra Nghị quyết thu phí cửa khẩu cảng biển khiến doanh nghiệp choáng váng!
Hải Phòng "tự dưng" ra Nghị quyết thu phí cửa khẩu cảng biển khiến doanh nghiệp choáng váng!

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có ý kiến về việc không được yêu cầu thêm giấy tờ ngoài hồ sơ, hải quan Hải Phòng đã bỏ yêu cầu có biên lai ở khâu thông quan nhưng lại đưa ra thêm yêu cầu phải trình ở khâu giám sát hàng hoá cụ thể trước khi lên/xuống tàu.

Trên thực tế, Hải Phòng là cảng biến lớn thứ 2 của cả nước, khoảng 1/3 hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua cảng biển này nên có ảnh hưởng rất lớn đối với các DN xuất nhập khẩu.

“Việc mỗi địa phương quy định một mức phí khác nhau gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia, hàng hoá chuyển khẩu của Việt Nam thậm chí có thể phải chịu 2 lần phí cao, 1 lần ở cảng biển và 1 lần ở biên giới đất liền, dẫn đến nguy cơ nhà đầu tư sẽ tính toán “né” Việt Nam và đi đường vòng khoảng 600 km qua Thái Lan để tránh thủ tục phức tạp và không bị phí chồng phí” - Phó tổng Thư ký VPSF nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện DN Nhật Bản cho biết, nhà đầu tư Nhật Bản rất choáng và sốc nặng với quyết định này. “Chúng tôi không thể tưởng tượng được, thông lệ quốc tế là đầu tư trước rồi mới thu phí sau, nhưng Hải Phòng lại tăng thu phí để lấy tiền mở rộng đường xá vào cảng. Sốc nữa là tổng chi phí cho 1 container 40 feet hiện nay là hơn 4 triệu đồng nhưng chỉ một đoạn đường từ cao tốc vào cảng đã thu 500.000 đồng nên nhà đầu tư Nhật Bản không hiểu cái gì đang diễn ra ở đây” - đại diện nhà đầu tư Nhật Bản trăn trở.

Năm 2017, Hải Phòng dự kiến đạt tổng mức thu phí cảng biển khoảng 1.500 tỷ đồng nhưng tính toán của các Hiệp hội và Bộ Giao thông Vận tải trên cơ sở thực tế thu từ đầu năm đến nay thì Hải Phòng sẽ thu được ít nhất 2.300 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, với việc thu phí này, Hải Phòng sẽ “bỏ túi” một số tiền kha khá, nhưng nguồn thu ngân sách Trung ương sẽ giảm khoảng 20% do lợi nhuận DN giảm, kéo theo giảm thuế thu nhập DN, tương ứng với 300-500 tỷ đồng/năm. VPSF cho biết, ngoài ra còn phát sinh các chi phí hành chính, lưu kho, phạt chậm hàng, vay tiền của ngân hàng... cộng thêm khoảng 15,2 triệu USD/năm để thực hiện thủ tục này.

Được biết, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan đã có báo cáo bằng văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, dự kiến cuối tháng 2 Chính phủ sẽ có ý kiến về vấn đề này.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm