1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vội vã thu phí, Hải Phòng ban hành văn bản có dấu hiệu trái luật?

(Dân trí) - Trong văn bản mới nhất gửi lên Thủ tướng, các doanh nghiệp cho rằng, quy định về thu phí sử dụng hạ tầng với doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Hải Phòng có dấu hiệu ban hành trái luật và tận thu cho ngân sách địa phương.

Quy định về thu phí sử dụng hạ tầng với doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Hải Phòng có dấu hiệu ban hành trái luật?
Quy định về thu phí sử dụng hạ tầng với doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Hải Phòng có dấu hiệu ban hành trái luật?

Liên quan tới việc Hải Phòng thu phí sử dụng hạ tầng với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Văn phòng Chính phủ đã mời các Hiệp hội ngành nghề (Dệt may, Da giày, Bông sợi, Vasep, Gỗ…), Hiệp hội dịch vụ Logistics, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản… tham dự một cuộc họp khẩn cấp để trình bày quan điểm, trao đổi thông tin.

Sau cuộc họp, trên cơ sở các ý kiến trao đổi, nhóm công tác gồm các chuyên gia, đại diện Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) và các Hiệp hội đã tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về quy định thu phí của Hải Phòng. Ngày 23/1/2017, Nhóm công tác đã có văn bản báo cáo lên Thủ tướng và kiến nghị một số vấn đề liên quan.

Tại văn bản này, nhóm công tác đánh giá về tính hợp pháp của Nghị quyết 148. Theo nhóm công tác, theo khoản 3 Điều 14 Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật năm 2015 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục”.

Theo Khoản 9 Điều 4 cũng của Luật này thì Nghị quyết của HĐND tỉnh là văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, Nghị quyết 148 của HĐND thành phố Hải Phòng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng theo nhóm công tác, quá trình xây dựng và ban hành Nghị quyết này, rất nhiều trình tự, thủ tục đã bị bỏ qua, không được thực hiện.

Điển hình được kể đến là việc Hải Phòng đã không lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp của quy định; Không đăng tải trên cổng thông tin điện tử thành phố tối thiểu 30 ngày để lấy ý kiến đối tượng liên quan; Không đánh giá tác động chính sách và thủ tục hành chính xuất phát từ Nghị quyết hoặc nếu có đánh giá thì mang tính hình thức, không đúng quy định.

Các chuyên và và đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, quy định thu phí của Hải Phòng vi phạm Điều 3, GATT của WTO về đối xử quốc gia, đã được đưa vào luật thành Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia năm 2010 và hàng loạt hiệp định song phương khác mà Việt Nam đã kí kết khi chỉ áp dụng phí này với hàng xuất nhập khẩu mà không áp dụng với hàng trong nước đi qua cảng Hải Phòng.

“Nghị quyết 148 có dấu hiệu ban hành trái pháp luật và theo Điều 165 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của HĐND cấp tỉnh trái với hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ”, văn bản nêu.

Về tính hợp lý của Nghị quyết 148, nhóm công tác cho biết, theo dư luận từ cộng đồng doanh nghiệp trong những ngày qua, phí mà Hải Phòng thu quá cao, có dấu hiệu phí chồng phí, tận thu, thu cho ngân sách thay vì chi bù đắp cơ bản chi phí liên quan hạng mục phí. Điều này được cho là xuất phát từ việc Nghị quyết 148 đã không quy định rõ ràng, cụ thể về nội dung, kết cấu phí cửa khẩu cảng biển để chứng minh phí đó tuân thủ đúng quy định và cam kết WTO.

Bên cạnh đó, tổng mức thu phí cửa khẩu cảng biển dự kiến của Hải Phòng năm 2017 là 1.500 tỷ đồng nhưng theo số liệu tính toán nhanh của các Hiệp hội doanh nghiệp sau những ngày đầu áp dụng thu phí thì năm 2017, Hải Phòng sẽ thu ít nhất 2.300 tỷ đồng.

“Việc thu phí sai mục đích, nguyên tắc ngay từ đầu và có căn cứ để doanh nghiệp đánh giá Hải Phòng đã lạm thu từ phí cho ngân sách thành phố”, các doanh nghiệp khẳng định.

Trong nội dung công văn gửi lên Thủ tướng cũng chỉ ra 2 nội dung không hợp lý khi Hải Phòng ban hành Nghị quyết thu phí. Thứ nhất, thời điểm ban hành cuối tháng 12/2016, thông báo triển khai ngày cuối cùng tháng 12 nhưng áp dụng ngay từ 1/1/2017.

“Điều này đẩy hàng nghìn doanh nghiệp vào thế khó khăn, áp lực lớn vì toàn bộ các đơn hàng, hợp đồng, giá sản phẩm và dịch vụ liên quan cho năm 2017 đều đã đàm phán, kí kết với các đối tác trước đó. Doanh nghiệp không có thời gian trở tay, nhất là trong đàm phán với đối tác quốc tế”, các doanh nghiệp phản ánh.

Điểm thứ hai được chỉ ra là, việc ban hành Nghị quyết diễn ra khi Hải Phòng chưa hề bố trí đủ hoặc hợp lý các nguồn lực thực hiện, mọi việc diễn ra thủ công dẫn tới nhiều hệ luỵ bất cập cho doanh nghiệp.

Theo khảo sát nhanh từ các hiệp hội doanh nghiệp, để thực hiện xong việc nộp phí/1 lần thông quan, mỗi doanh nghiệp phải bố trí ít nhất 1 nhân viên chuyên trách và mất tầm 90 phút để hoàn tất nộp phí. Ngoài ra, ít nhất sẽ có xác suất 18,75% doanh nghiệp làm thủ tục bị lưu kho bãi 1 đêm, số còn lại thì mất 2 tiếng đồng hồ cho việc nộp phí (gồm cả khâu chuẩn bị). Như vậy, ngoài nộp phí, doanh nghiệp phải gánh thêm 15,2 triệu USD/năm chi phí lưu kho bãi, lãi suất, chi phí thực hiện thủ tục…

Các doanh nghiệp cũng e ngại, việc các địa phương như Hải Phòng quy định các loại phí bất cập như trên sẽ dẫn tới câu chuyện nguồn thu địa phương tăng nhưng tổng thu nhập doanh nghiệp lại giảm. Chưa kể còn có sự bất cập khi mỗi địa phương lại quy định một mức phí khác nhau.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm