Doanh nghiệp kỳ vọng đại sứ Việt như những "nhà tình báo kinh tế"
(Dân trí) - "Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài bên cạnh hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, các doanh nghiệp (DN) còn mong chờ, kỳ vọng ở các đồng chí như những nhà tình báo kinh tế, giúp họ có thêm thông tin thị trường, công nghệ và để DN nhỏ và vừa thiết lập được mạng lưới liên kết".
Đây là mong mỏi của không chỉ TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mà còn là kỳ vọng của nhiều DN, hiệp hội ngành hàng trong buổi gặp gỡ với các tân Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài vừa được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Kết nối với Đại sứ để có thông tin thị trường, đầu tư
Tại cuộc gặp gỡ giữa các tân Đại sứ vừa được bổ nhiệm với các DN, Hiệp hội ngành hàng do Bộ Ngoại giao, VCCI tổ chức chiều ngày 21/7, nhiều DN nêu khó khăn khi tiếp cận thị trường, thiếu thông tin nước đối tác. Đặc biệt rất nhiều DN bày tỏ mong muốn các tân Đại sứ sẽ làm tốt vai trò tình báo kinh tế, giúp DN tìm có thông tin thị trường, nhập khẩu công nghệ tiên tiến.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung rất muốn nhập khẩu công nghệ, kỹ thuật và dây truyền của các nước phát triển. Tuy nhiên, để bản thân họ tự sang các nước tìm hiểu thì rất khó và dường như không thể. Muốn làm được phải có sự giúp đỡ của các tham tán thương mại, đại sứ chuyên trách nhằm hỗ trợ thông tin, xây dựng hệ thống kết nối.
TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, thời gian qua ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm, nhiều DN phải tự tìm hiểu chính sách pháp luật, thị trường, nhiều DN dù thiếu thông tin thị trường nhưng không có liên hệ được với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
"Các đồng chí đại diện cần tìm hiểu chi phí, cung cấp thông tin của đối tác... Chúng tôi được Chính phủ giao thực hiện đề án trợ giúp các DN để tìm hiểu thị trường nước ngoài, chúng tôi nhờ các đơn vị ngoại giao như kênh thông tin để tìm hiểu thị trường, nắm bắt xu hướng và giúp kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập các thị trường xuất khẩu trên thế giới", TS Vũ Tiến Lộc nói.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, các DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan sang Việt Nam đầu tư, tìm hiểu thị trường xuất khẩu được hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức đại diện của nước ngoài. Họ là trợ thủ đắc lực cho thành công của quá trình xâm nhập hàng hóa, dòng vốn các nước vào Việt Nam thời gian qua.
Gặp khó vì gặp muôn trùng bảo hộ thị trường
Theo đại diện một DN từng tham gia xuất khẩu nông sản, đặc biệt là quả chuối sang Nhật Bản cho biết: Hiện, nông sản của Việt Nam, đặc biệt là hoa quả như chuối, vải được nhiều thị trường như Nhật Bản, Úc rất thích. Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu thời gian qua là rất ít. Các DN nhỏ đang gặp rất nhiều vướng mắc từ chính sách bảo hộ thị trường của các nước thông qua hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.
“DN xuất khẩu nông sản sang các nước phát triển có đầy đủ giấy chứng nhận chất lượng, tiêu chuẩn và được đối tác nhập khẩu khẳng định quả chuối rất ngon. Nhưng chúng tôi gặp muôn trùng biện pháp bảo hộ như bao bì, chứng nhận kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này không được cảnh báo nên nhiều chuyến hàng đã phải quay về”, đại diện một DN xuất khẩu nông sản cho hay.
Theo vị đơn vị trên, “cơ hội nông sản sang Nhật rất mở bởi riêng giá xuất khẩu chuối, hiện DN Nhật Bản chào mua ở mức cao gấp ba lần so với trong nước. Các DN, nông trại, người nông dân Việt không phải không trồng được chuối sạch mà họ không biết phía đối tác có yêu cầu và tiêu chuẩn gì để đáp ứng. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn các đại sứ đại diện cho Việt Nam giúp đỡ tìm hiểu thị trường, thu thập các công nghệ sản xuất, chế biến để giúp DN Việt Nam có thông tin đặt hàng, xuất khẩu”.
Ông Hồ Minh Tuấn, tân Đại sứ Việt Nam tại Séc cho hay: Hàng ngày có rất nhiều hàng hóa của người Việt sang Séc bởi đây là thị trường có rất đông đồng bào người Việt Nam sinh sống, học tập. Chính vì vậy, các DN cần kết nối mạnh mẽ với lượng Việt kiều sở tại để hạn chế rủi ro pháp lý và quen với thị trường.
Còn về nhập khẩu công nghệ, ông Tuấn khẳng định: Không nước nào chế tạo ra kỹ thuật và công nghệ hiện đại hoàn toàn cả, các nước đều phải "ngó nghiêng" và nhập các thiết bị, công nghệ cho lĩnh vực đó để sử dụng cho ngành và lĩnh vực mình cần.
“Ngay cả công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Nhật Bản ở lĩnh vực trồng trọt, họ cũng nhập công nghệ tại Israel, người Nhật không tự làm hết, dù trình độ khoa học kỹ thuật của họ đủ sức làm. Do đó, các DN Việt cần kết nối với các cơ quan đại diện của nước ngoài cụ thể, đưa ra bài toán, đề bài cụ thể, ông Tuấn nêu ví dụ.
Tuy nhiên, theo bà Luận Thùy Dương, Đại sứ Việt Nam tại Myanma, các DN hiện đang đổ dồn vào một số thị trường xuất khẩu trọng điểm, trong khi đó nhiều thị trường có tiềm năng xuất khẩu như Myanma hiện lại rất ít DN thông qua đại sứ, người đại diện để tìm hiểu thị trường, pháp luật, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Thực tế này khiến các cơ quan đại diện nước ngoài phải đi tìm các DN có nhu cầu xuất khẩu sang Myanma để giúp đỡ họ, việc này chẳng khác gì "trâu đi tìm cọc" bởi thị trường có nhưng không biết DN Việt Nam muốn xuất khẩu những gì và có khai thác tốt không.
Nguyễn Tuyền