Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 29/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022. Như vậy, toàn hệ thống trong 4 tháng còn lại của năm còn khoảng 9% để tăng trưởng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Giới chuyên gia cho rằng tín dụng từ nay đến cuối năm có thể sẽ khởi sắc, tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn những tháng trước... nhưng khó để đạt mục tiêu 14% như cơ quan quản lý tiền tệ định hướng.
Tín dụng tăng chậm, vì đâu?
Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế do lãnh đạo Chính phủ chủ trì tuần qua, Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ.
Ông ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Dù NHNN cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục thực hiện các biện pháp nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn.
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế.
"Do đó, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng", Phó thống đốc khẳng định.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng tăng trưởng tín dụng như hiện nay phù hợp với bức tranh chung của nền kinh tế. Lý do chính của tăng trưởng tín dụng chưa cao là do thị trường xuất khẩu giảm, nên doanh nghiệp thận trọng trong các kế hoạch đầu tư sản xuất.
Nói với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết hiện nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng do không có tài sản bảo đảm, thế chấp. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp thời gian qua cũng không có nhu cầu vay vốn do không có đơn đặt hàng, việc kinh doanh trầm lắng.
Đối với một số doanh nghiệp có nhu cầu vay và đủ điều kiện vay thì mức lãi suất hiện tại vẫn còn cao, gây tâm lý e ngại. Dẫn đến câu chuyện ngân hàng huy động được nhiều vốn nhưng lại "ế" tiền, không thể cho vay.
Vị chuyên gia này cho rằng từ nay đến cuối năm rất khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% như NHNN đặt ra. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý có những chính sách mới, đột phá, hỗ trợ thị trường thì khi đó, tín dụng mới có sự tăng trưởng bứt phá hơn.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng chia sẻ với phóng viên Dân trí rằng một số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để tái cấu trúc, chuyển đổi sản xuất nhưng không được vay do không đảm bảo được các điều kiện của ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn do không có tài sản đảm bảo, không có dự án, phương án mang tính khả thi, không chứng minh được khả năng trả nợ.
Theo ông Thịnh, ngân hàng cũng được coi là một doanh nghiệp kinh doanh do đó họ có quyền đặt ra những tiêu chuẩn, điều kiện cho vay. Bản thân các ngân hàng cũng rất muốn cho vay nhưng cũng sẽ phải cân nhắc cả yếu tố rủi ro, đánh giá khả năng hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại.
Xuất khẩu - động lực chính cho tăng trưởng tín dụng
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), chỉ tiêu tín dụng năm nay tương đối khó để đạt được trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
"Tuy nhiên, ta có thể kỳ vọng vào chỉ số xuất khẩu có thể tác động nhiều tới tăng trưởng kinh tế cũng như tín dụng", ông Huân nhận định với Dân trí. Ông kỳ vọng xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ khả quan hơn, đặc biệt là các ngành nông sản, điện tử được dự báo sẽ tích cực hơn so với giai đoạn trước.
Tính đến tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng. Kết quả này giúp kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đà phục hồi, sau tình hình tương đối ảm đạm trong quý I.
Trong bức tranh chung của thế giới từ nửa cuối năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa giảm do tổng cầu tiêu dùng sụt giảm, lạm phát cao ở các nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc. Tuy nhiên, riêng tại Mỹ, tính đến tháng 8, hàng tồn kho đã giảm xuống còn 10% (từ mức 20% hồi 6 tháng đầu năm), và dự báo sẽ tiếp tục giảm.
Ông Huân nhận định với xu hướng đó nhiều khả năng Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới sẽ nhập hàng trở lại, mở ra cơ hội cho thị trường xuất khẩu Việt Nam. Ông dự báo dù mục tiêu khó đạt nhưng những tháng cuối năm tín dụng có thể khởi sắc và tiệm cận với mức cơ quan quản lý đề ra, tương ứng với mức tăng trưởng khoảng 10-11%.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết trong tháng 7 và tháng 8, lượng đơn hàng đã quay trở lại với rất nhiều các ngành nghề như dệt may, da giầy, gỗ… và đặc biệt là nhóm ngành máy tính, điện tử, điện thoại, linh kiện. Từ đó, tín dụng có động lực để tăng trưởng khi tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cải thiện.
4 nhóm giải pháp thúc đẩy tín dụng
Để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, NHNN đã đề xuất 4 nhóm giải pháp.
Thứ nhất là nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản). Nhóm giải pháp là nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và cuối cùng là nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.
TS. Võ Trí Thành cho rằng hiện dư địa để NHNN điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều. Để giải quyết bài toán tín dụng cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.
Theo ông Thành, để có lời giải cho bài toán này, chỉ riêng hệ thống ngân hàng cũng khó giải quyết được vấn đề. Trước tiên về tư duy cần phải tách bạch, "không được đánh đồng" giữa vai trò của NHNN và các ngân hàng thương mại.
Từ tổng thể chung của nền kinh tế cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất) cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa.
Đối với tín dụng, cần phải phân biệt rành mạch về khả năng về chính sách của NHNN và hoạt động của các ngân hàng thương mại. NHNN điều hành chính sách tiền tệ gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các ngân hàng thương mại cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường.
Bên cạnh đó, cần tính đánh giá, toán kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh,…
Trưởng ban Pháp chế VCCI đề xuất các giải pháp liên quan đến khôi phục niềm tin thị trường, tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân tín dụng hộ kinh doanh, hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có triển vọng tốt như nông lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu…