Doanh nghiệp “khóc thét” vì phải gửi tiền ngân hàng để... “ngồi chơi”!
(Dân trí) - “Chúng tôi không biết làm gì nên đành phải ngồi chơi, Thủ trưởng xuống bảo tại sao các anh ngồi chơi? Tiền gửi ngân hàng thì Thủ trưởng bảo tại sao tiền để ngân hàng?”
Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - đã nêu lên những vướng mắc như vậy tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), hôm nay (20/2).
Tự đi “gõ cửa” từng Bộ, ngành!
Báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng, Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi cho biết khi có vướng mắc đều kiến nghị lên cơ quan chủ quản là UBQLVNN để xem xét giải quyết, nhưng quá trình giải quyết vướng mắc vẫn không có kết quả. Sau khi xem xét thấy rằng kiến nghị của doanh nghiệp (DN) cũng đúng, ý kiến của UBQLVNN, ý kiến Bộ ngành cũng đúng và quay lại là vấn đề vẫn thế, vẫn không được giải quyết.
Dẫn chứng kiến nghị về thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, ông Chi nêu lên quá trình đi “gõ cửa” từng Bộ, ngành: SCIC báo cáo UBQLVNN thì cơ quan chủ quản nói rằng vấn đề này liên quan đến Luật Đầu tư công nên đề nghị SCIC hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Sau đó, SCIC báo cáo Bộ KH&ĐT thì Bộ bảo đúng, lĩnh vực này là A, B... thì dòng tiền như thế này. Nhưng có nhiều đầu tư không có trong lĩnh vực của Luật Đầu tư công thì không ai là người quyết định? Lúc này, Bộ KH&ĐT nói rằng vì là Luật Quản lý đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước nên do Bộ Tài chính chủ trì, có tham chiếu với Luật Đầu tư công nên SCIC hỏi Bộ Tài chính.
“DN làm việc Nhà nước rồi tự đi hỏi để có cơ hội đầu tư và mang lại hiệu quả cao hơn nhưng không ai quyết, vậy giải quyết như thế nào, nên DN lại phải về chờ và mọi việc vẫn nguyên thế” - Chủ tịch SCIC bức xúc.
Nêu vướng mắc thứ 2 về ngành nghề kinh doanh, ông Chi nêu vấn đề: SCIC được làm gì? Bởi, SCIC là DN được đầu tư kinh doanh vốn nhà nước. Tuy nhiên, các DN nhà nước chuyển cho SCIC đủ các lĩnh vực như nông sản, du lịch, tư vấn... vậy SCIC đầu tư gì? Theo quy định, SCIC được đầu tư vào dự án nhằm bảo toàn vốn và mang lại hiệu quả, nhưng chiểu theo quy định thì DNNN chỉ được đầu tư vào lĩnh vực cụ thể, những gì DN ngoài nhà nước không làm SCIC mới được đầu tư kinh doanh, như vậy còn đâu hiệu quả nữa.
“Vậy chúng tôi làm gì? Chúng tôi ngồi chơi. Lúc đó, Thủ trưởng xuống bảo tại sao các anh ngồi chơi? Tiền gửi ngân hàng thì Thủ trưởng bảo tại sao tiền để ngân hàng? Chúng tôi cũng chỉ biết báo cáo là chúng em gửi tiền ngân hàng chứ có mang về nhà đâu...” - Chủ tịch SCIC bày tỏ.
Phân trần lí do tại sao đưa ra các kiến nghị, vướng mắc thì ai cũng đúng, nhưng không được giải quyết và kiến nghị lại quay trở lại với DN, ông Chi cho rằng do cách tiếp cận, nhìn nhận và giải quyết vấn đề, cứ cho các Vụ pháp chế chiếu theo các quy định, nêu các rủi ro và trích dẫn điều khoản này điều khoản kia...
“Chúng tôi đều đọc được luật, chúng tôi đều hiểu các điều luật, nhưng nếu trích thế và nói làm việc theo quy định của pháp luật thì DN không làm được, chúng tôi ngồi thì lãnh đạo bảo phải năng động sáng tạo, chúng tôi làm thế nào?” - Chủ tịch SCIC nói và mong muốn những gì thuộc thẩm quyền UBQLVNN giải quyết được thì giải quyết ngay, cần đồng hành cùng DN và chia sẻ cùng DN: “Nếu có thể là được thì cho làm, cứ xem quy định pháp luật và đối chiếu quy định, có một chút rủi ro cũng không hướng dẫn làm thì kiến nghị mãi, họp mãi vẫn thế thôi”.
Dự án trình 2 năm vẫn “bặt vô âm tín”!
Tại cuộc họp, ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - khẳng định: Không còn nhiệm vụ nào Chính phủ giao mà Vietnam Airlines không hoàn thành. Vietnam Airlines được chuyển giao về UBQLVNN năm 2018, do là công ty đại chúng nên UBQLVNN quản lý Vietnam Airlines thông qua nhóm người đại diện 3 người, vì có cả người nước ngoài. Tuy nhiên, hiện những khó khăn của Vietnam Airlines chủ yếu do sự thiếu đồng bộ nhất quán của pháp luật.
Dẫn giải về khó khăn do quy định của văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết lớn nhất là trình tự thủ tục thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư. Đơn cử là dự án đầu tư 15 máy bay thân hẹp được Vietnam Airlines trình 2 năm mà nay Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (KH&ĐT) và UBND TP.Hà Nội là cấp thẩm quyền chưa trình được Bộ KH&ĐT, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược phát triển đội tàu bay của Vietnam Airlines.
“Trước kia, quy trình thủ tục từ lúc trình tới lúc phê duyệt lâu nhất là 6 tháng và nhanh nhất là 3 tuần. Còn hiện giờ, dự án trình 2 năm nhưng chưa biết văn bản đang được giải quyết ở đâu” - ông Phạm Ngọc Minh cho biết.
Về việc sử dụng đất ở các sân bay, ông Minh thông tin: Các hang-ga, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng máy bay của Vietnam Airlines không xây dựng được từ năm 2010 đến nay đã xuyên thập kỷ không được cấp giấy phép xây dựng. Nặc dù đất có dự án, cũng đã đấu thầu xong những vẫn treo. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến Vietnam Airlines mà toàn bộ ngành hàng không, vì cơ sở bảo dưỡng tàu bay của các hãng nằm trong công ty con của Vietnam Airlines.
“Đất có, tiền có, nhưng không xây dựng được và không biết cấp nào có thẩm quyền cấp giấy phép. Chúng tôi đã trình UBQLVNN, UBND TP Hà Nội, Thường trực Chính phủ. Nếu có giấy phép thì sẽ cấp tốc xây dựng trong vòng 13-15 tháng là có thể khai thác, nhưng đến giờ vẫn không biết ai là người cấp phép. UBND TP.Hà Nội hứa, Bộ Xây dựng hứa, nhưng đến nay vẫn không ai cấp phép” - ông Minh bức xúc.
Chủ tịch Vietnam Airline cũng kiến nghị UBQLVNN sớm phân cấp uỷ quyền người đại diện vốn DN. Theo Luật, người đại diện vốn phải báo cáo xin ý kiến trước khi quyết định tại Đại hội cổ đông nhưng lại có một số vấn đề khác. Chúng tôi đề nghị thể chế hoá vấn đề khác là vấn đề gì? Với tình trạng hiện nay, khi báo cáo tất cả mọi thứ cho UBQLVNN, không rõ họp Hội đồng quản trị quyết luôn hay chờ UBQLVNN?
“Nếu mọi việc không được giải quyết thì chúng tôi sẽ làm theo cách Hội đồng quản trị nêu, sau đó cơ quan chủ quản không thổi còi thì chúng tôi tự quyết và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Phạm Ngọc Minh cho biết thêm.
Châu Như Quỳnh