1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp khai hàng xuất khẩu chênh giá 50 lần để chiếm dụng thuế VAT

An Linh

(Dân trí) - Tổng cục Thuế vừa có văn bản cảnh báo về hành vi khai gian giá hàng xuất của một số doanh nghiệp để chiếm dụng tiền thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua cơ quan này nhận được báo cáo của một số Cục Thuế về việc hoàn thuế có rủi ro cao tại một số doanh nghiệp có hàng nhập khẩu (linh kiện điện tử, máy tính) có mẫu mã và đặc tính kỹ thuật giống nhau. Khi nhập khẩu, các doanh nghiệp khai báo giá trị rất thấp, nhưng khi xuất khẩu, một số doanh nghiệp khác lại khai báo giá trị rất cao và chênh lệch khoảng hơn 50 lần.

Cơ quan Thuế cho hay, đặc điểm dễ nhận thấy là các lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp thường có giá trị rất cao, mỗi lô hàng xuất có trọng lượng chỉ vài kg đến vài chục kg nhưng giá khai báo lên vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.

Doanh nghiệp khai hàng xuất khẩu chênh giá 50 lần để chiếm dụng thuế VAT - 1

Tổng cục Thuế cảnh báo việc doanh nghiệp gia tăng lợi dịch chính sách hoàn thuế VAT để chiếm dụng tiền của Nhà nước

Tổng cục Thuế cho biết, việc này dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về việc mua bán hóa đơn, kê khống giá trị hóa đơn trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu, nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo Tổng cục Thuế, cơ quan Hải quan qua đấu tranh với các hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của một số doanh nghiệp tại địa bàn khu vực phía Nam đã xác định một số công ty có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.

"Phần lớn các công ty liên quan đến vụ án là doanh nghiệp không có thật, một số doanh nghiệp do đối tượng thuê hoặc mua lại để thực hiện hành vi phạm tội", Tổng cục Thuế thông báo.

Tổng cục Thuế cho biết, các doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng linh kiện điện tử đều không có địa chỉ đăng ký kinh doanh, thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở chính, chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật, thông tin về nơi đăng ký quản lý thuế...

Cơ quan này cho biết, hành vi của các đối tượng chủ yếu là chuyển tiền qua lại giữa các đối tượng có quan hệ với nhau (như người trong gia đình...) trong việc mua/bán hàng hóa, dòng tiền chuyển đến, chuyển đi. Cụ thể các công ty xuất khẩu chuyển khoản tiền mua hàng hóa, dịch vụ cho các công ty F1 hoặc chuyển khoản cho F1. Sau đó lại tiếp tục chuyển khoán cho các công ty F2, rồi F2 lại tiếp tục rút tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các cá nhân không phải là doanh nghiệp mua hàng của F2 để nộp tiền vào tài khoản của công ty F2 hoặc F1.

Tổng cục Thuế cho biết, qua nhận diện, hình thức của các đối tượng vi phạm đều sử dụng hồ sơ xuất khẩu hàng hóa (hợp đồng, hóa đơn, sổ kế toán, chứng từ thanh toán không khớp đúng với bản chất kinh tế theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế Giá trị gia tăng và các văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn quản lý, sử dụng hóa đơn).

"Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử không thực hiện giao dịch với nước ngoài, mà chỉ nhận được phí hoa hồng đối với dịch vụ xuất khẩu", Tổng cục Thuế khẳng định. Trong khi đó, doanh nghiệp mua hàng (bên nhập khẩu) không tồn tại hoặc là doanh nghiệp bất hợp pháp tại cơ quan nước sở tại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm