1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp hụt hơi, ngân hàng băng băng về đích

Việt Đức

(Dân trí) - Sau 6 tháng đầu năm, bất chấp Covid-19, phần lớn ngân hàng trên sàn đều đã vượt 50% chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận.

Ồ ạt báo lãi "khủng" sau 6 tháng

Trong khi không ít doanh nghiệp vẫn đang chật vật tìm cách xoay xở giữa dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã gần hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021 sau 1/2 thời gian. 

Theo thống kê từ 26 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán và đã công bố kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay, có đến 23 nhà băng vượt 50% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.

Trong đó, riêng 2 ngân hàng quy mô nhỏ là Viet Capital Bank và Saigonbank đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau một nửa thời gian. Viet Capital Bank và Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế lần lượt là 290 tỷ đồng và 135 tỷ đồng trong năm nay. Trong khi đó, sau 6 tháng, hai ngân hàng trên đã đạt 337 tỷ đồng và 137 tỷ đồng lợi nhuận.

Kế tiếp là MSB hoàn thành đến 95% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021. Lãi trước thuế sau 6 tháng đạt 3.119 tỷ đồng, tăng trưởng tới 220% so với cùng kỳ 2020. Đây cũng là cái tên có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong nhóm 10 ngân hàng lãi lớn nhất. MSB lãi đột biến nhờ khoản lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 575% lên gần 2.200 tỷ đồng.

Doanh nghiệp hụt hơi, ngân hàng băng băng về đích - 1

MSB tăng vọt lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm (Ảnh: Duy Anh).

Hai ngân hàng khác gần hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm gồm Kienlongbank (81%) và Nam A Bank (77%). So với cùng kỳ năm trước, hai nhà băng này lần lượt tăng trưởng lợi nhuận 684% và 434% sau 6 tháng. 

Trong đó, Kienlongbank tăng vọt lợi nhuận nhờ đã xử lý xong toàn bộ 176 triệu cổ phiếu STB của Sacombank là tài sản đảm bảo cho các khoản vay trước đây, thu hồi hết nợ gốc và lãi phải thu. Còn Nam A Bank lý giải lợi nhuận tăng mạnh do đẩy mạnh hoạt động cho vay trong khi chi phí lãi suất huy động lại giảm xuyên suốt từ năm 2020 đến nay giúp thu nhập lãi thuần tăng mạnh.

Nhóm các ngân hàng lớn dẫn đầu thị trường như BIDV, Vietcombank, VietinBank, ACB, MB, Techcombank, VPBank cũng đã hoàn thành 54%-65% mục tiêu lợi nhuận. 7 ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 trên 10.000 tỷ đồng, thấp nhất là ACB (10.602 tỷ đồng) và cao nhất là Vietcombank (25.000 tỷ đồng). 

3 ngân hàng hiếm hoi trong danh sách chưa cán nổi mốc 50% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng gồm OCB (48%), VietBank (30%) và Eximbank (26%).

Trong nhóm này, OCB và VietBank vẫn tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số còn kết quả của Eximbank chỉ đi ngang. Lợi nhuận của Eximbank 6 tháng đầu năm chỉ đạt 555 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 2020 đúng 1%. Ngân hàng này đứng cuối về tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh nhiều nhà băng nhỏ có bước nhảy vọt.

Giảm lãi suất có ảnh hưởng đến lợi nhuận?

Hiện tại, 16 tổ chức tín dụng đã thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, tùy quy mô ngân hàng.

Các ngân hàng có vốn Nhà nước như Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank cam kết thêm khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp, người dân ở các địa phương gặp khó khăn do dịch Covid-19 và phải giãn cách theo Chỉ thị 16.

Theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay sẽ tạo áp lực lên biên lãi thuần (NIM) trong ngắn hạn. Trong khi đó, lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ duy trì ổn định.

Doanh nghiệp hụt hơi, ngân hàng băng băng về đích - 2

Biểu đồ: VDSC.

Dư địa để các ngân hàng giảm chi phí hoạt động xuống mức thấp hơn nữa cũng không nhiều. Trong thực tế, nhiều ngân hàng thời gian qua đã tích cực tiết giảm chi phí, phần lớn nhờ hoạt động giảm quy mô nhân sự.

Trong quý III, chuyên gia của VDSC cho rằng tăng trưởng tín dụng và tiền gửi sẽ bắt đầu chậm lại. Khảo sát của công ty chứng khoán này cho thấy các ngân hàng thương mại thận trọng trước diễn biến phức tạp của đại dịch. Một số thành phần kinh tế, ngành nghề vẫn duy trì nhu cầu tín dụng, tuy nhiên các thủ tục giấy tờ bị ảnh hưởng nên sẽ dẫn đến sự hạn chế trong việc giải ngân.

Theo VDSC, NIM của các ngân hàng trong giai đoạn tới sau khi giảm lãi suất vẫn có thể ở mức cao hơn trước dịch, nhưng sẽ thấp hơn mức đỉnh trong giai đoạn quý IV/2020 đến quý II năm nay, khoảng thời gian ngân hàng báo lãi bùng nổ. 

Nhìn chung, các ngân hàng vẫn có triển vọng tích cực để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay. Trong cuộc gặp gỡ trực tuyến với nhà đầu tư chiều 12/8, phó tổng giám đốc VPBank khẳng dù ngân hàng sẽ khó tránh khỏi khó khăn nhưng không thay đổi mục tiêu lợi nhuận 2021 đã cam kết với cổ đông trước đó. 

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cũng dự báo nhiều ngân hàng như BIDV, HDBank, TPBank, OCB đều sẽ hoàn thành hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.