1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp gay gắt phản đối quy chế kinh doanh thép

Với mục đích ngăn chặn cơn sốt giá thép tái diễn như đầu năm 2004, Bộ Thương mại đã ban hành “Quy chế kinh doanh thép xây dựng”. Thế nhưng, ngay sau khi quy chế vừa ban hành đã vấp phải sự phản đối gay gắt của giới kinh doanh và nhà sản xuất thép. Vì sao?

Quy chế… trái luật?

 

Quy chế được ban hành và áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thép xây dựng thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm nhà cung ứng, nhà phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ, các đơn vị trực thuộc như chi nhánh, xí nghiệp, cửa hàng bán lẻ.

 

Hiệp hội Thép VN (VSA) cho rằng mặt hàng thép sắt thép, trong đó có thép xây dựng, không thuộc mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cũng không phải mặt hàng Nhà nước quản lý giá như xăng dầu, nên không có lý do gì để Bộ Thương mại áp dụng cho riêng mặt hàng thép cuộn và thép cây một qui chế kinh doanh riêng.

Điểm nhấn quan trọng của quy chế và cũng gây bức xúc nhiều nhất cho giới sản xuất là quy định “nhà cung ứng chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh, chất lượng và giá bán lẻ thép xây dựng do mình cung ứng trên thị trường”.

 

Ông Lê Đăng Phong, phó tổng giám đốc Công ty liên doanh thép Việt - Nhật (Vina Kyoe), khẳng định “không thể nào nhà sản xuất thép lại đi giám sát và chịu trách nhiệm về giá bán lẻ của các nhà phân phối”. Với đặc điểm kinh doanh thép là vốn rất lớn, các nhà cung ứng không thể tự tổ chức các điểm bán nhỏ lẻ mà phải thông qua một vài hệ thống phân phối chính.

 

Theo ông Phong, bản thân công ty ông không đủ sức lẫn người để đi thu tiền cho từng ký thép bán lẻ, chưa kể tình trạng ứ đọng nợ tràn lan khó đòi là điều rất phổ biến ở các công trình. “Chẳng lẽ mỗi khi bán thép cho một công trình nào đó chúng tôi phải chầu chực để đòi nợ? Nếu không thì lấy đâu ra tiền để đầu tư tái sản xuất, trong khi bán thẳng cho nhà phân phối chúng tôi sẽ nhận được ngay tiền mặt?”, ông Phong giãi bày.

 

“Chúng tôi là nhà phân phối làm sao lại phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất?”, bà Vũ Ngọc Phượng - nhà phân phối thép V - đặt vấn đề. Bà Phượng nói thêm không cần phải có quy chế “bắt này, bắt nọ”, chỉ cần cửa hàng của bà bán không đúng mác thép như bảng đã treo, trước khi chờ khách hàng tẩy chay, chính bà sẽ là người đầu tiên không nhận hàng của nhà sản xuất “treo đầu dê, bán thịt chó” về bán nữa.

 

Can thiệp quá sâu

 

“Tôi cho rằng với quy chế này, Bộ Thương mại đã can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoàn toàn đi ngược với chủ trương hội nhập hiện nay” - ông Đặng Huy Hiệp, trưởng phòng kinh doanh Công ty Thép miền Nam (SSC), nhận định.

 

Ông Chu Quang Vũ - giám đốc Công ty cổ phần thép Hòa Phát - cho rằng quy chế này “đưa ra những qui định hoàn toàn đi ngược lại nội dung của Luật doanh nghiệp cũng như pháp lệnh giá”. Theo ông Vũ, phần lớn nhà cung ứng không tổ chức bán lẻ, vì vậy không bắt buộc phải ấn định giá bán lẻ tại thời điểm và tại khu vực thị trường nào đó.

 

Theo phân tích của ông Phong, thép xây dựng hiện đang ở mức cung vượt cầu với trên 20 doanh nghiệp đủ mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, chính vì vậy sự cạnh tranh trong cơ chế thị trường của ngành thép rất cao, không có doanh nghiệp nào có đủ khả năng độc quyền để tăng giá.

 

Việc ấn định giá bán ở cấp độ nhà cung ứng, nếu có, cũng chỉ có thể dựa vào tình hình thị trường lẫn nguyên liệu phôi nhập khẩu. “Hai yếu tố này chi phối toàn bộ giá thành sản phẩm. Nhưng nếu thị trường ảm đạm, chúng tôi muốn đẩy nhanh tiêu thụ phải hạ giá, chẳng lẽ lại vi phạm quy chế?”, ông Phong đặt dấu hỏi.

 

Theo ông Phạm Chí Cường - chủ tịch VSA, việc qui trách nhiệm liên đới về tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh, chất lượng và giá bán lẻ của nhà cung ứng, nhà phân phối, tổng đại lý và đại lý bán lẻ nêu trong qui chế là không khả thi, “trái với các luật hiện hành, vi phạm quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp”.

 

Theo Trần Vũ Nghi

Báo Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Quy chế Kinh doanh thép

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm