Lãi suất giảm, gói hỗ trợ nhiều, vì sao doanh nghiệp vẫn không vay?

Thảo Thu

(Dân trí) - Để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai.

Tại hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" do Thời Báo Ngân Hàng tổ chức ngày 25/7, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thời gian qua nhận được nhiều ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng, các chuyên gia và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về việc tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Giải pháp nhiều, vẫn chưa đủ để tăng tín dụng

Phó thống đốc chỉ ra 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, khó lường, sản xuất thương mại toàn cầu khó khăn.

Còn trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm cùng những khó khăn nội tại của nền kinh tế; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam đều gặp khó khăn từ sau dịch Covid-19; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn; lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro.

Theo ông Tú, đây là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm thấp.

Các gói tín dụng hỗ trợ ngành bất động sản như gói 120.000 tỷ đồng, gói 15.000 tỷ đồng mới được công bố và đang được triển khai cho vay lâm nghiệp, thủy sản và một loạt các chương trình khác đều đã được các ngân hàng triển khai…

"Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để tăng tín dụng", Phó thống đốc thông tin.

Lãi suất giảm, gói hỗ trợ nhiều, vì sao doanh nghiệp vẫn không vay? - 1

Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú sáng 25/7 (Ảnh: BTC).

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết tín dụng 6 tháng đạt khoảng 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022.

Theo bà Giang, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.

Ngoài ra, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý như bất động sản, việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã... đặc biệt trong bối cảnh, tình hình hiện nay còn khó khăn hơn do các khách hàng này có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi.

Chưa kể, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...).

"Các ngân hàng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống", bà Giang thông tin.

Tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng còn tồn tại

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho biết có tới 25% hội viên của hiệp hội đang gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng.

Lãnh đạo hiệp hội thừa nhận, việc hỗ trợ của ngành ngân hàng đã làm tốt nhưng có thực trạng là số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn nhiều.

Ông chỉ ra một số nguyên nhân do tiêu chí cho vay khắt khe, tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng còn tồn tại.

Lãi suất giảm, gói hỗ trợ nhiều, vì sao doanh nghiệp vẫn không vay? - 2

Số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn nhiều (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông đưa ra số liệu, trong số hơn 6 triệu tỷ đồng cho vay toàn nền kinh tế, thì dư nợ cho vay nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, dù đã cao hơn năm trước song vẫn chưa ở mức thấp.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp chiếm 40% GDP, chiếm trên 90% tổng doanh nghiệp, nhóm này chiếm 90% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế với tỷ trọng đóng góp GDP khoảng 40%.

Ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính.

Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, theo ông Thân, chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai.

Về chiến lược lâu dài, ông Thân nhận thấy cần sớm sửa đổi Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài, trong đó có việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào 30% các dự án đầu tư công.

Về phía doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng, các doanh nghiệp cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về sức khỏe của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.

Trước mắt, hiệp hội tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp, chẳng hạn như việc hạ điều kiện cho vay.

"Nếu các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn do vướng quy định pháp luật hay tiêu chuẩn Basel quốc tế, cần phải có giải pháp để tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp", ông Thân nói.

Ngoài ra, ông Thân cho rằng chính sách tài khóa cần phải có quy định rõ ràng, mạch lạc. Việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của hoạt động hậu kiểm vẫn có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn.

"Do vậy, để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách dễ dàng, thuận lợi hơn thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị.