Doanh nghiệp FDI được luật ưu ái?

(Dân trí) - Quy định cho phép kéo dài thời hạn nộp thuế đối với các doanh nghiệp ưu tiên tại dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) được cho là đang ưu ái các doanh nghiệp lớn, chủ yếu là doanh nghiêp FDI, dẫn đến thiếu công bằng cho doanh nghiệp trong nước.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) trước Quốc hội sáng 21/10, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ quy định: “Người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật hải quan được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng trong tháng chậm nhất vào ngày thứ 10 của tháng kế tiếp”.

Theo Ủy ban, quy định này tạo điều kiện cho doanh nghiệp được ưu tiên là những doanh nghiệp luôn chấp hành tốt nhất các chính sách pháp luật về thuế theo quy định của luật quản lý thuế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Hiển cho biết, vẫn có ý kiến cho rằng, việc quy định như Dự thảo luật chỉ tập trung ưu tiên cho một số doanh nghiệp lớn, chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể đáp ứng được các điều kiện để thực hiện chính sách này. Như vậy, quy định trên sẽ dẫn đến thiếu công bằng cho doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, một số thành viên trong Ủy ban tài chính, ngân sách cho rằng, nếu quy định cho phép kéo dài thời hạn nộp thuế đối với các doanh nghiệp ưu tiên là không công bằng, dễ bị lợi dụng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Do đó, đề nghị chỉ nên cho phép đối tượng doanh nghiệp nêu trên được áp dụng chế độ ưu tiên về thủ tục thông quan hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác, về thời hạn nộp thuế áp dụng theo các quy định hiện hành.

Trong Dự thảo luật lần này quy định tới 24 khoản thuộc các ngành, lĩnh vực đã được miễn thuế. Mặc dù cơ bản đồng tình với việc rà soát, bãi bỏ và bổ sung một số đối tượng được miễn thuế như Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, Ủy ban tài chính, ngân sách cũng cho rằng, phạm vi miễn thuế như Dự thảo luật còn rộng. Do đó, đề nghị cần rà soát để đảm bảo phù hợp, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hải quan...).

Đa số ý kiến trong Ủy ban đồng ý phương án bổ sung quy định về miễn thuế cho một số hàng hóa thuộc chế độ tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập có thời hạn, không mang mục đích thương mại nhằm phù hợp với Công ước Kyoto. Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban cho rằng, việc miễn thuế cho hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trên thực tế rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) được bàn bạc và trình Quốc hội thông qua nhằm đáp ứng được các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các Hiệp định thương mại về thuế quan mà Việt Nam đã và đang ký kết. Theo đó dự kiến trong vòng 10 năm tới, mức độ tự do hóa thương mại sẽ đạt 97-98% số dòng thuế.

Bích Diệp

Doanh nghiệp FDI được luật ưu ái? - 2