Nhận biệt đãi, doanh nghiệp FDI chỉ đóng góp…âm vào tăng trưởng!
(Dân trí) - Góp tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, chuyên gia Bùi Trinh, Nguyễn Huy Minh đã chỉ ra nghịch lý, mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi, song sự đóng góp vào tăng trưởng của khối FDI lại rất thấp, với hàng loạt chiêu trò chuyển giá, lãi thật lỗ giả.
Sáng nay, Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm 2015 chính thức khai mạc và sẽ diễn ra trong hai ngày 21 và 22/4 tại Nghệ An, hội tụ những chuyên gia hàng đầu về kinh tế trong cả nước.
Theo nhận định của các tác giả Bùi Trinh, Nguyễn Huy Minh tại bản tham luận gửi tới Diễn đàn, hiện nay, Việt Nam đang trở thành quốc gia có nền công nghiệp gia công toàn diện. Nếu giai đoạn 2000-2005 tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất là 53%, giai đoạn 2006-2010 tỷ lệ này là 63%, thì giai đoạn 2011-2015 con số này đã lên tới 72%.
Ảnh minh họa
Tuy GDP có tăng trưởng (dù thực chất nền kinh tế là rất khó khăn) nhưng tỷ lệ tổng thu nhập quốc gia (GNI) trên GDP ngày càng doãng ra và lượng tiền từ chi trả sở hữu thuần chảy ra nước ngoài ngày càng tăng. Tỷ lệ này tăng khoảng 26 lần vào năm 2012 so với năm 2000, lượng tiền từ chi trả sở hữu thuần chảy ra nước ngoài chủ yếu do các doanh nghiệp FDI chuyển về quốc gia của công ty mẹ.
Trong khi đó, khu vực kinh tế nhà nước hoạt động không hiệu quả, nợ nần lớn, việc chú trọng phát triển khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, đứng về mặt kinh tế, là khẩn thiết để nâng cao sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Hai chuyên gia cho rằng, việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam sắp gia nhập TPP và đang tái cơ cấu hoạt động ngoại thương theo hướng tránh phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam đang cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nhiệm vụ và cơ hội này hoàn toàn phụ thuộc vào khu vực kinh tế ngoài nhà nước có phát triển hay không.
Theo các tác giả, tuy tỷ trọng đầu tư của khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên 40% tổng số vốn đầu tư nhưng tỷ trong của khu vực này trong GDP chỉ 32%; trong khi khu vực kinh tế ngoài nhà nước tuy tỷ trọng vốn đầu tư chỉ khoảng 38% GDP nhưng tỷ trọng giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này chiếm đến 49% GDP; trong đó, tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực kinh tế cá thể chiếm đến 33%. Điều này một lần nữa khẳng định nền kinh tế Việt Nam không chỉ là nền kinh tế gia công mà còn rất manh mún. Không một nước nào có thể phát triển nếu nền kinh tế dựa vào sản xuất gia công và cá thể nhỏ lẻ. Thật đáng tiếc là từ năm 2005 đến nay, tỷ trọng này không những không giảm mà còn có xu hướng tăng lên, từ 32,1% năm 2005 tỷ lên 33,2% năm 2012.
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tỷ trọng đầu tư trong 10 năm (2001-2010) hầu như thay đổi rất ít, không những không được ưu đãi gì về vốn mà còn phải vay ngân hàng với lãi suất cao, nhất là trong giai đoạn 2010–2012, có những lúc chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay lên đến hơn 10 điểm phần trăm, nhưng khu vực này có tỉ trọng đóng góp vào GDP nhiều nhất, có tốc độ tăng trưởng cao nhất và quan trọng hơn cả là tạo ra nhiều việc làm nhất.
Khu vực kinh tế nhà nước tuy có tỷ trọng đầu tư rất cao (56,6% và 44,7% trong 2 giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010) nhưng tạo việc làm mới thậm chí âm. Nhìn vào tốc độ tăng trưởng của giá trị sản xuất và tốc độ tăng trưởng của giá trị gia tăng có thể thấy hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI và khu vực kinh tế nhà nước thấp hơn khu vực kinh tế ngoài nhà nước khá nhiều, mặc dù 2 khu vực này được đủ mọi loại ưu đãi của chính sách.
Đáng chú ý, theo tính toán hiệu quả đầu tư từ hệ số ICOR thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước là khu vực có hiệu quả đầu tư cao nhất nhưng thật trớ trêu khu vực này lại là khu vực kinh tế khó tiếp cận nguồn vốn nhất. Trong khi đó, xu hướng chung cho thấy hiêu quả đầu tư của tất cả các thành phần sở hữu đều giảm sút. Giảm sút mạnh nhất về hiệu quả đầu tư là khu vực kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), việc giảm sút này nguyên nhân chính do báo cáo lỗ giả nhưng lãi thật (chuyển giá) và phần giá trị gia tăng của khu vực này cơ bản là gia công nên hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp.
Metro và hàng loạt "ông lớn" FDI thường xuyên báo lỗ sau nhiều năm mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
Thông qua chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), các tác giả cũng chỉ ra rằng, khu vực kinh tế Nhà nước là khu vực có chuyển giao công nghệ nhiều nhất trong 3 khu vực sở hữu. Giai đoạn 2000-2006 đóng góp của TFP vào tăng trưởng chung của cả nước 22,6% thì trong đó đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước cao hơn mức bình quân chung (23,7%), trong khi khu vực ngoài nhà nước khoảng 18% và khu vực FDI đóng góp vào tăng trưởng thậm chí âm. Giai đoạn 2007-2012, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng cả nền kinh tế tuy giảm sút nhanh chóng xuống còn 6,4%, nhưng TFP của khu vực nhà nước đóng góp vào tăng trưởng của khối này vẫn cao nhất (17,4%), khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI thậm chí âm.
Như vậy, có thể thấy về thực chất cho đến nay khu vực ngoài nhà nước làm ăn manh mún, chậm thay đổi và khu vực FDI về bản chất không đưa công nghệ mới hoặc chỉ đưa công nghệ cũ vào sản xuất. Về cơ bản khu vực FDI đang lợi dụng các ưu đãi của Việt Nam về chính sách thuế, đất đai và lợi dụng nhân công giá rẻ và gian lận về thuế (khai lợi nhuận nhỏ đi do chuyển giá...làm tăng chi phí đầu vào) – nhóm tác giả đánh giá.
Bên cạnh đó, chuyên gia Bùi Trinh và Nguyễn Huy Minh cũng đặt vấn đề, cho rằng các chính sách thuế dành cho xuất khẩu dường như là một sai lầm. Theo đó, trong một nền kinh tế chủ yếu là gia công thì xuất khẩu thực chất là xuất khẩu hộ nước khác, việc ưu tiên cho xuất khẩu không những mang lại hàm lượng giá trị gia tăng thấp mà còn kìm hãm khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển và tăng thâm hụt thương mại cũng như thâm hụt cán cân thanh toán
Theo các tác giả, đã đến lúc cần tư duy lại về phương thức tạo lập môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước tiếp cận đầu tư vào tất cả các lĩnh vực mà khu vực kinh tế nhà nước không nắm giữ, với sự hỗ trợ đầu tư mồi của nhà nước. Đặc biệt là đối với đầu tư hạ tầng dùng chung ở trong hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch theo hướng chuyên môn hóa sâu, những hạng mục đòi hỏi đầu tư lớn để đảm bảo về tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước, mà ở đây chủ yếu là các doanh nghiệp có qui mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ có thể đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên môn hóa đó, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Bích Diệp