Doanh nghiệp FDI cần gì ở ứng viên ngành kỹ thuật?

(Dân trí) - Diễn ra trong ngày 17/5 tại Hà Nội, chương trình Ngày hội việc làm tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thu hút gần 40 doanh nghiệp FDI với hơn 3.000 chỉ tiêu tuyển dụng ngành kỹ thuật. Nhiều doanh nghiệp đánh giá khá khách quan về chất lượng sinh viên ngành kỹ thuật.

Việc gì cũng phải có ngoại ngữ

 

Dù chỉ tuyển chưa tới 10 kỹ sư điện, cơ khí, hóa sinh, nhưng đại diện Công ty Asahi Intecc Hà Nội (100 % vốn Nhật Bản) đã nhận được tới 40-50 đơn ứng tuyển. Đánh giá cao sự nhiệt tình và ham tìm hiểu của sinh viên, tuy nhiên đại diện Công ty lo lắng nhất về sự chưa tự tin khi sử dụng ngoại ngữ của ứng viên.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

* Món Tây bỏ hàng sang ra tranh khách vỉa hè

* Trung Quốc đổ tiền vào bất động sản Việt Nam?

 

Bà Thái Thu Hương - chuyên viên tuyển dụng của Công ty Asahi Intecc Hà Nội - cho biết: “Các thiết bị máy móc trong Công ty đều ghi bằng tiếng Anh. Việc giao tiếp với các bộ phận lãnh đạo Công ty cũng bằng tiếng Anh. Bởi vậy, ứng viên không tự tin sử dụng tiếng Anh thì khó đảm bảo được công việc”.
 
Ứng viên đăng ký dự tuyển tại Ngày hội việc làm
Ứng viên đăng ký dự tuyển tại Ngày hội việc làm

 

Ngoại ngữ không tốt sẽ khó giúp ứng viên năm bắt công việc. Bà Lê Thị Hồng Nhung - trợ lý trưởng phòng nhân sự, bộ phận nhân sự Công ty TNHH Canon VN - cũng đồng tình với điều này.

 

Bà Nhung cho biết thêm, khả năng ngoại ngữ đang là trở ngại lớn của nhân lực trẻ ngành kỹ thuật. Thậm chí, trong từng vị trí tuyển dụng cụ thể, yếu tố ngoại ngữ còn đóng vai trò quyết định tới ứng viên có trúng tuyển hay không.

 

Bà Nhung nói: “Chúng tôi không yêu cầu quá cao về ngoại ngữ, nhưng ứng viên trình độ cao đẳng đang được tuyển hôm nay phải đủ khả năng giao tiếp tiếng Anh cơ bản. Điều này còn cần để khi có vấn đề cần giải trình với lãnh đạo, ứng viên khi đó đủ khả năng nói bằng tiếng Anh”.

“Sức hấp dẫn của môi trường trong doanh nghiệp FDI là sự ngăn nắp, tính kỷ luật cao và cách đại ngộ, đánh giá công bằng tới năng lực của nhân sự. Đây là điều khiến nhiều bạn bè tôi nộp đơn ứng tuyển sau khi tốt nghiệp”  - Sinh viên Lê Trường Minh - khoa cơ khí, ĐHCN Hà Nội cho biết.

 

Không chú trọng tới tấm bằng ngoại ngữ, bà Nhung cho rằng việc kiểm tra thông qua bài viết tiếng Anh sẽ thể hiện năng lực ứng viên chính xác nhất.

 

Hãy “nhảy” cùng nhịp với chúng tôi

 

Theo ông Nomoto Takeshi, Phó TGĐ Công ty TNHH Panasonic System Networks VN, môi trường làm việc chuyên nghiệp đòi hỏi nhân sự làm việc với cường độ cao và có thể nhiều thời gian. Nhiều ứng viên trẻ lại chưa quen với việc phải làm thêm giờ. Trong khi đó, lao động ở Nhật Bản coi việc này rất đương nhiên để ủng hộ doanh nghiệp.

 

“Không chỉ chuyên môn, chúng tôi còn chú trọng tới ý thức làm việc cũng như ý thức bảo vệ môi trường. Đơn cử như việc thấy rác thì phải nhặt cho vào thùng rác để tại môi trường sạch cho doanh nghiệp” - ông Nomoto Takeshi nói.
 
Đại diện một doanh nghiệp tuyển dụng đang giới thiệu về sản phẩm.

Đại diện một doanh nghiệp tuyển dụng đang giới thiệu về sản phẩm.

 

Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm là điều doanh nghiệp quan tâm. Ông Trần Tuấn Khanh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ricoh imagining Product VN - cho biết: “Ứng viên có khả năng làm việc theo nhóm được Công ty quan tâm. Đơn giản bởi muốn đưa công việc tới đích cuối cùng, bạn trẻ phải biết cách giao tiếp và chia sẻ với nhau để cùng hiểu và cùng đóng góp sức lực, trí tuệ”. Để khắc phục điểm yếu này, ông Khanh cho rằng ứng viên phải thực sự nỗ lực thay đổi và điều chỉnh bản thân.

 

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp tuyển dụng, đa số ứng viên mới tốt nghiệp khi trúng tuyển đều phải trải được đào tạo để nắm bắt công nghệ, môi trường làm việc chuyên nghiệp. Trong cuộc phỏng vấn, trình độ chuyên môn đáp ứng chỉ khoảng 50-70%, các doanh nghiệp sẽ đánh giá ứng viên dựa vào thái độ học hỏi, sự cầu thị và nhẫn nại.

 

Hoàng Mạnh
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước