Doanh nghiệp đồ uống: “Tài trợ mà không được nói mình tài trợ thì khác gì áo gấm đi đêm”
(Dân trí) - “Các nhà sản xuất rượu bia được tài trợ mà không được quảng bá hoạt động tài trợ của mình, không được nói mình tài trợ thì khác gì áo gấm đi đêm”, đại diện một hãng bia khẳng định.
Bỏ tiền tài trợ nhưng không được gắn tên, chẳng khác gì cấm
Theo đó, tại buổi tọa đàm về Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan Nhà nước cùng đại diện doanh nghiệp (DN) đã đưa ra nhiều ý kiến để đóng góp cho Dự thảo luật này.
Cụ thể, bà Đào Thị Thu Hiền, đại diện Công ty Carlsberg Việt Nam cho biết, việc các DN kinh doanh rượu, bia hiện nay tài trợ trong nhiều trường hợp đều mang lại cho cơ quan, tổ chức Nhà nước nguồn thu đáng kể.
Trong khi đó, theo như Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, DN còn bị cấm tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia và quảng bá hoạt động tài trợ của nhà sản xuất rượu bia.
“Như vậy thì khác gì cấm các DN kinh doanh rượu, bia không được tài trợ nữa. Các nhà sản xuất rượu bia bỏ tiền ra tài trợ mà không được nói mình tài trợ thì khác gì áo gấm đi đêm”, bà Hiền nói.
Thậm chí, bà Hiền cho hay, nếu như làm theo Dự thảo Luật này thì ngay cả việc các DN kinh doanh rượu bia muốn tài trợ xây trường học cũng không được phép nữa. Do vậy, nên xem xét lại điều luật này để làm cho phù hợp.
Đồng tình với đó, ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao HEINEKEN Viêt Nam nói: “Nếu DN tài trợ sự kiện, chương trình thể thao, văn hóa, giải trí mà không được quảng bá, gắn tên khiến cho DN không có danh nghĩa gì khi tài trợ. Điều này chẳng khác gì chúng tôi bị cấm tài trợ cả”, ông Matt nhận định.
Thêm vào đó, đại diện HEINEKEN Việt Nam cho biết, đây sẽ là một dấu chấm hết cho nhiều hoạt động thể thao, âm nhạc được các DN bia, rượu đưa về Việt Nam trong khi họ không quảng bá việc tài trợ cho những chương trình này.
Đáng nói, tại tọa đàm, nhiều đại diện DN kinh doanh rượu, bia cho biết, hệ quả của việc này đã hiện hữu rồi khi Sabeco đã mang nguồn tài trợ cho một đội tuyển của giải ngoại hạng Anh.
“Cho nên việc hạn chế tài trợ này đã khiến ngay cả DN trong nước cũng mang nguồn tài trợ ra nước ngoài, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế”, bà Hiền nói thêm.
Không nên đánh đồng sàn giao dịch điện tử với Internet
Về vấn đề bán rượu, bia trên mạng, bà Lê Thị Thùy Trang, Quản lý Pháp chế Cấp cao của Công ty Cổ phần TiKi, cho rằng, sàn giao dịch thương mại điện tử cũng chỉ là một kênh bán hàng bình đẳng như những kênh bán hàng khác nên không có cớ gì cấm bán hàng trên đó. Đây chính là rào cản thương mại.
Bên cạnh đó, bà Trang cho rằng, hiện nay, chúng ta chưa thấy được hết ưu việt của sàn giao dịch điện tử.
Thực ra, mua bán trên sàn giao dịch điện tử là minh bạch nhất khi mọi thông tin đều được lưu lại và truy suất bao gồm người mua là ai, kê khai và nộp thuế,… Hơn nữa, những sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mới được đưa lên sàn giao dịch điện tử để bán.
Bà Đào Thị Thu Hiền, đại diện Công ty Carlsberg Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.
“Cho nên, ở đâu đó đã đánh đồng những sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng được bán tràn lan trên mạng với những sản phẩm được bán trên sàn giao dịch điện tử”, bà Trang nói.
Đồng tình với bà Trang, đại diện Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cũng cho rằng, chúng ta phải công nhận sàn giao dịch điện tử là tương lai khi nó là sàn giao dịch không biên giới.
“Việc bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử là văn minh, hoàn toàn có thể truy suất được để xem xét lại cho đúng. Cho nên việc đánh đồng mua bán rượu, bia trên Internet và trên sàn giao dịch điện tử là không đúng”, ông này cho hay.
Tại buổi tọa đàm, ông Matt cũng nhấn mạnh rằng, kênh bán hàng trên Internet thì không khác gì những kênh bán lẻ thông thường khác cả. Thậm chí nó còn tốt hơn khi có thể kiểm tra được chính xác độ tuổi người tiêu dùng khi phương thức này bắt buộc phải thanh toán qua thẻ ATM, mà thẻ ATM thì phải đủ 18 tuổi mới được sở hữu.
“Hiện nay cả nước đều đang tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, nên nếu cấm kinh doanh trên Internet sẽ là một bước thụt lùi. Do đó, nếu cho phép bán rượu, bia trên Internet thì nên yêu cầu người mua cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt là về độ tuổi, trước khi đồng ý cho mua để đảm bảo người tiêu dùng đó là phù hợp. Nếu khai thác đúng thì kênh bán hàng điện tử còn hiệu quả hơn kênh bán hàng thông thường nhiều lần”, ông Matt nói thêm.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia và đại diện DN cũng cho rằng, việc cho phép bán hàng trên Internet không chỉ giúp sản phẩm rượu, bia đến được với người tiêu dùng đúng độ tuổi mà còn giúp đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng khi được dùng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Hồng Vân