1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn quá "hẻo": Chỉ chiếm dưới 1%

(Dân trí) - Tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chậm hơn so với doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác. Đến tháng 9/2016 chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Quang cảnh Hội thảo...
Quang cảnh Hội thảo...

Chiều 5/9 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức “Hội thảo Tham vấn cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp” nhằm đánh giá để sửa đổi Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã bổ sung nhiều điểm mới và thay thế Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 của Chính phủ.

"Việc ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ tại thời điểm đó là kịp thời với kỳ vọng thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; thúc đẩy công nghệ sản xuất và liên kết giữa các thành phần kinh tế ở nông thôn", lãnh đạo Bộ nêu.

Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế mặc dù Nghị định 210/2013/NĐ-CP đã có hiệu lực từ tháng 2/2014.

Tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chậm hơn so với doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác. Đến tháng 9/2016 chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong năm 2015, số doanh nghiệp ngành nông nghiệp ngừng hoạt động và giải thể là 2.019 doanh nghiệp, cao hơn 11,3% so với doanh nghiệp thành lập mới.

Có đến 75% doanh nghiệp đang sử dụng những công nghệ máy móc thiết bị đã hết khấu hao. Bên cạnh đó, Nghị định cũng chưa huy động được sự tham gia của mọi thành phần kinh tế; một số quy định, tiêu chí quá cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách. Ngoài ra, kinh phí từ ngân sách chưa đảm bảo thực hiện chính sách còn thấp và chậm tiến độ…

Đóng góp ý kiến về cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong nông nghiệp, các đại biểu cho rằng, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 210 đang được Bộ NN&PTNT triển khai ngoài việc rà soát điều chỉnh chính sách về đất đai, vốn tín dụng phải đảm bảo nguồn lực trong thực hiện chính sách.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị định mới là phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi khi đầu tư nông nghiệp. Theo đó, tiếp tục giảm các thủ tục hành chính; Giảm chi phí thực hiện và thời gian thực hiện.

Đồng quan điểm với ông Ngọc, ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN Group đề xuất: Tập trung vào các chính sách ưu đãi mà không sử dụng vốn, nhất là chính sách thuế.

"Chính sách này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tập trung vào các dự án có hiệu quả, doanh nghiệp liên doanh liên kết sử dụng những nguồn lực của nhau để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, giá trị kinh tế cao. Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch xóa bỏ cơ chế xin cho trong bối cảnh những thủ tục hành chính còn phức tạp và mất nhiều thời gian", ông Hải nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phải khẳng định doanh nghiệp là chủ thể dẫn dắt trong liên kết giá trị chuỗi trong nông nghiệp Việt Nam....
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Phải khẳng định doanh nghiệp là chủ thể dẫn dắt trong liên kết giá trị chuỗi trong nông nghiệp Việt Nam...".

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp trong thời gian qua. Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thu thập các ý kiến đóng góp sau hội thảo để hoàn thiện nội dung trước khi trình Chính phủ thông qua để Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 210 thực sự hiệu quả khi đi vào cuộc sống.

"Phải khẳng định doanh nghiệp là chủ thể dẫn dắt trong liên kết giá trị chuỗi trong nông nghiệp Việt Nam. Ở tầm Nghị định này phải tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, nút thắt và cách tiếp cận cơ chế về tín dụng và chính sách đất đai, đó là tích tụ ruộng đất, tài sản trên đất. Nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, nhất là về thủ tục hành chính không gây khó khăn phiền hà. Tiếp tục phân cấp và minh bạch không để trục lợi về chính sách" - ông Cường cho biết.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm