Doanh nghiệp đào tạo trực tuyến đánh dấu bước chuyển nhờ AWS
(Dân trí) - Nhờ vào dịch vụ điện toán đám mây đáng tin cậy, AWS đang từng bước giúp số hóa trong giáo dục trở nên khả thi và bùng nổ mạnh mẽ.
Số hóa giáo dục - mảnh đất giàu tiềm năng
Đại dịch Covid-19 mang đến những thách thức cho ngành giáo dục, nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội và động lực để các đơn vị giáo dục thử nghiệm những cách làm mới, nắm bắt lợi ích to lớn của công nghệ và thích ứng với sự chuyển dịch số trong ngành.
Theo báo cáo PISA (Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế) năm 2020 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố, Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến để phòng, chống Covid-19. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Bên cạnh đó, cũng không thể không kể tới đối tượng những người đã đi làm, nhưng vẫn có nhu cầu được đào tạo kiến thức, luyện thi online.
Trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện. Số hóa không chỉ nhằm quản lý dữ liệu giáo dục mà còn tạo môi trường học tập mở, khuyến khích sự sáng tạo trong việc dạy và học.
Mang theo nhiều hứa hẹn, nhưng không phải ngẫu nhiên mà số hóa trong giáo dục được xem là một thách thức.
Thách thức đến từ trong tư tưởng
Theo ông Phạm Thái Bình, CEO của VietED - đơn vị chuyên cung cấp giải pháp đào tạo trực tuyến dành riêng cho doanh nghiệp - thì chỉ cách đây không lâu, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa sẵn sàng áp dụng để chuyển đổi số.
Nguyên nhân là bởi đa phần họ cảm thấy chuyển đổi số chưa thực sự quan trọng, và không sẵn sàng từ cả nguồn lực và vật chất. Thực tế cũng cho thấy từ trước đại dịch Covid-19, khái niệm về chuyển đổi số, số hóa, đô thị thông minh... vẫn là những khái niệm khá xa vời và mang tính vĩ mô hơn là thực tế.
Đặc biệt là trong giáo dục, khi nhu cầu chuyển đổi số trong trường học trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn diễn ra khá chậm. Các thầy cô vẫn trung thành với cách dạy truyền thống, đó là lên lớp và đọc bài giảng.
Trong khi đó, từ khi thành lập từ những năm 2013, LotusLMS - giải pháp do CEO Phạm Thái Bình triển khai đã sớm "khai phá" những gì mà thị trường còn thiếu. Đây là nền tảng đào tạo học viên trên tài liệu chuẩn E-learning, cho phép những người tham gia có thời gian học linh hoạt, cũng như chủ động tiếp cận kiến thức nhanh chóng.
LotusLMS cũng là một trong những nền tảng hiếm hoi có tích hợp tính năng lớp học trực tuyến, lớp học ảo áp dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong lớp học, với khả năng hỗ trợ tới 50.000 người tham gia đồng thời.
Từ nỗ lực của VietED - hay LotusLMS - có thể thấy rằng để mang tới những giải pháp đột phá trong giáo dục online như ngày nay, tất cả đều đã vượt qua những thách thức từ trong tư tưởng, để rồi đáp ứng nhu cầu từ thị trường dù không được dang tay đón nhận.
Đòn bẩy công nghệ đưa giải pháp trở thành thực tế
"Đại dịch Covid-19 ập đến rất bất ngờ. Như chúng ta đã biết, giãn cách xã hội khiến việc chuyển đổi số gần như là bắt buộc với hầu hết các công ty và doanh nghiệp", ông Bình chia sẻ.
Nhận thấy các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, ông Bình cùng VietED đã nhanh chóng đưa lớp học ảo của mình tiếp cận đến nhiều khách hàng, doanh nghiệp hơn để giúp họ vượt qua được khó khăn.
Ngoài ra, toàn bộ các quá trình như thu thập bài làm, chấm điểm bài thi, tương thích với nhiều thiết bị, đáp ứng mọi thiết bị di động (điện thoại, laptop, PC), bảo mật cao... đều hoạt động trơn tru nhờ hệ thống điện toán đám mây của Amazon Web Services (AWS).
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Thái Bình cho biết đã may mắn khi quyết định hợp tác từ đầu với AWS. Điều này theo ông, đã giúp VietED thành công tối ưu giải pháp gồm chi phí, hạ tầng mà chỉ cần đến đội ngũ xây dựng nội dung ở mức tối thiểu. "Nhờ đối tác AWS, chúng tôi có thể giảm tải toàn bộ các gánh lo liên quan đến hạ tầng, mà chỉ chuyên tâm vào xây dựng sản phẩm, rồi phát triển làm sao cho nó tốt lên", CEO Phạm Thái Bình cho biết.
Nếu như không có được hỗ trợ như vậy, ông Bình thừa nhận một startup non trẻ khi ấy có thể bị "ngợp" bởi phải đảm đương quá nhiều công việc, từ máy chủ, cơ sở dữ liệu, firewall…
Bên cạnh đó, ông Bình nói thêm về một dịch vụ của AWS mà ông rất "tâm đắc", đó là có thể bổ sung phần cứng một cách nhanh chóng trong tích tắc. Dịch vụ khiến ngay cả khi lượng truy cập lên rất cao, hệ thống vẫn chịu được tải và đáp ứng trải nghiệm trơn tru cho người dùng.
Theo ông, đây là tiêu chí quan trọng nhất dưới góc độ người quản lý. "Chúng ta có thể ngay lập tức bù đắp những việc thiếu sót về công nghệ bằng sử dụng hạ tầng của AWS trong khoảng thời gian ngắn", ông Bình cho biết. "Sau đó, khi phần cứng đã đáp ứng được sự gia tăng theo một mức độ nào đó, thì có thể thoải mái điều chỉnh để giảm bớt sự phụ thuộc vào nền tảng đám mây".
Hiện VietED có khoảng một triệu người dùng hàng tháng, hỗ trợ hơn 2.000 doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 bằng lớp học ảo, lớp học trực tuyến.
Ngày 29/1, VietED cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề cử và ký kết hợp tác trong Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số.
Tới nay, nền tảng của VietED cho phép tổ chức được các kỳ thi lớn lên tới 100.000 học sinh, thí sinh tham gia cùng lúc trên khắp cả nước.