Doanh nghiệp chây ì giá cước sẽ bị bêu tên

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, cơ quan được Bộ GTVT giao chủ trì thực hiện chủ trương kiểm soát giá cước vận tải, cho biết, các đơn vị không kê khai giá sẽ bị xử phạt, bị “bêu” tên trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bà Phan Thị Thu Hiền nói: Mục tiêu Tết Âm lịch tới, khi nhu cầu vận chuyển tăng cao là kiểm soát, đảm bảo giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp; đảm bảo quyền lợi của hành khách, góp phần giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác.

Bà Phan Thị Thu Hiền.


Bà Phan Thị Thu Hiền.

Với những thông tin thu thập được, bà đánh giá thế nào về mức độ giảm giá cước so với biến động của giá xăng?

Tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-40% giá thành vận tải; 60-75% còn lại là các chi phí khác (như khấu hao, sửa chữa, chi phí nhân công, quản lý…). Việc tính toán giá cước vận tải sẽ tùy thuộc vào mức biến động của từng yếu tố chi phí đầu vào của mỗi đơn vị vận tải. Vì vậy, mỗi đơn vị vận tải sẽ phải tính toán, rà soát và có tỷ lệ điều chỉnh giá cước phù hợp với tỷ lệ giảm giá nhiên liệu, cũng như mức biến động của các chi phí đầu vào khác trong hoạt động vận tải.

Như vậy, giá cước phụ thuộc chủ yếu vào “lòng tốt” của doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước có biện pháp nào để xử lý các doanh nghiệp không chịu giảm giá?

Ngày 21/1, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô. Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT và Bộ Tài chính gần đây.

Công văn đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT yêu cầu các đơn vị căn cứ phương án tổ chức vận tải và xu hướng giảm giá nhiên liệu để tính toán lại giá thành, kê khai với cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị này không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu, Sở GTVT phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo quy định.

Biện pháp thứ hai là yêu cầu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT, Sở Tài chính và cơ quan thuế tiếp tục chú trọng việc tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện kê khai giá cước vận tải ô tô trên địa bàn theo quy định. Với đơn vị không thực hiện kê khai giá theo quy định, xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với các đơn vị đã kê khai giảm giá cước, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị này tiếp tục tính toán lại giá thành vận tải theo xu hướng giảm giá nhiên liệu để kê khai lại. Trường hợp các đơn vị cố tình kê khai giảm giá chưa phù hợp, tùy theo tình hình, có thể tiến hành kiểm tra yếu tố hình thành giá của các đơn vị và xử lý theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.

Cảm ơn bà.


Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế vào cuộc


Ngày 23/1, Bộ Tài chính cùng Bộ GTVT thành lập các đoàn kiểm tra giá cước vận tải với người đứng đầu đến từ Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Vụ Vận tải.


Đứng đầu các đoàn kiểm tra cước vận tải bằng ô tô là: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Trưởng đoàn phía Nam), Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính (Trưởng đoàn phía Bắc) và Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT (Trưởng đoàn miền Trung).


Đoàn còn lại do Bộ GTVT chủ trì phối hợp Bộ Tài chính để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải nói chung tại một số địa phương trọng điểm, gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TPHCM, Cần Thơ.


Các đoàn sẽ tập trung kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi, vận tải hành khách chưa thực hiện kê khai giá cước hoặc kê khai giảm giá cước chưa phù hợp với mức giảm giá xăng dầu. Trả lời Tiền Phong cách đây ít ngày, lãnh đạo Bộ Tài chính nói rằng, dùng đến thanh tra tài chính, cơ quan thuế là biện pháp cuối cùng khi các biện pháp quản lý giá chưa hiệu quả.


Tuấn Đức


Theo Bảo An

Tienphong